Bệnh xương-cơ khớp . Những điều còn chưa biết
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 2038
Hôm qua: 4530
Tổng số: 8828302
 

 
 

Góc chia sẻ
Cập nhật lúc: 9/7/2013 10:31:35 PM
 Tại kỳ sinh hoạt CLB lần thứ 18-ngày 7/9/2013. CLB đã mời Bs Đàm Ngọc Ánh đến nói chuyện về chủ đề thấp khớp mà hội viên CLB rất quan tâm
CÁC BỆNH THẤP KHỚP – CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Tại hội nghị khoa học quốc tế về chủ đề xương khớp vừa tổ chức mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, các thầy thuốc chuyên khoa xương khớp trong nước và thế giới đều cho rằng trong thế kỷ 21, nhất là trong thập niên 2012 - 2020, cần phải đặc biệt quan tâm đến các bệnh lý về xương khớp. Tổ chức y tế thế giới gọi Thập niên 2012 - 2020: Thập niên của những bệnh lý về cơ xương khớp.
Với sự gia tăng của tuổi thọ và sự phát triển xã hội, mỗi chúng ta đều được tận hưởng một cuộc sống lâu dài hơn, tiện nghi hơn, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải đương đầu với không ít khó khăn của cuộc sống hiện đại. Riêng đối với ngành Thấp khớp học, ngoài việc phải đương đầu với nhóm bệnh phức tạp như bệnh tự miễn, còn phải đối phó với các bệnh lý đang có xu hướng gia tăng theo sự gia tăng của tuổi thọ như loãng xương, thoái hóa khớp và một loạt bệnh lý liên quan đến cuộc sống hiện đại - các bệnh lý xương khớp trong chấn thương (đặc biệt là trong tai nạn giao thông và trong thể thao).
Thấp khớp không phải là một bệnh mà bao gồm hơn 100 bệnh của hệ thống vận động (xương-cơ-khớp và các tổ chức cận khớp). Đây là một nhóm rất khác nhau, đa dạng và phức tạp, có diễn biến, tiên lượng và điều trị hoàn toàn khác nhau, cần được chẩn đoán xác định sớm. Có nhiều bệnh cần thuốc và các biện pháp đặc biệt, cần được theo dõi điều trị một cách toàn diện và hệ thống tại các cơ sở Y tế chuyên khoa.
Biểu hiện chung nhất của các bệnh khớp là hiện tượng viêm khớp, tuy nhiên hiện tượng này ở mỗi bệnh đều có những đặc điểm khác nhau về vị trí, mức độ, cách biểu hiện, diễn tiến, hậu quả... Có bệnh rất thường gặp ở lứa tuổi này mà rất ít gặp ở lứa tuổi khác, có bệnh rất thường gặp ở nam giới mà rất ít gặp ở phụ nữ và ngược lại cũng có bệnh thường gặp ở phụ nữ mà rất ít gặp ở nam giới, có bệnh rất thường viêm ở khớp này mà lại rất ít viêm ở khớp khác, có bệnh thường biểu hiện cấp tính, có bệnh lại thường biểu hiện mãn tính hoặc từng đợt... Những đặc điểm này thường dễ nhận biết ở giai đoạn sớm của bệnh, có thể giúp chúng ta sớm có định hướng xác định bệnh.

Diễn giả đã đưa ra các thông tin về đặc điểm chung của một số bệnh khớp
1. Bệnh Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis - RA)
- Tỷ lệ mắc bệnh là: 0,5 % dân số người lớn (trên 15 tuổi).
- Thường gặp ở Nữ (chiếm 75%).
- Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trung niên, từ 30 - 60 tuổi.
- Khởi bệnh: đa số từ từ, tăng dần, xen kẽ có những đợt giảm bệnh.
- Vị trí bắt đầu bị bệnh: các khớp nhỏ (cổ tay, bàn ngón tay, bàn ngón chân...)
- Tính chất: Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ, Sưng nóng đỏ đau các khớp nhỏ đặc biệt các khớp ở hai bàn tay, đối xứng hai bên. Các khớp thường bị biến dạng sớm nếu không được điều trị đúng.
Dấu hiệu toàn thân: Sốt nhẹ, mệt mỏi, xanh xao, gầy sút.
Điều trị: được coi là bệnh nặng, cần điều trị tích cực ngay từ đầu, với sự theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa để hạn chế sự tiến triển đến tàn phế của bệnh và bảo vệ chức năng vận động của khớp.
2. Bệnh Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing Spondylitis - AS)
- Tỷ lệ mắc bệnh là: 0,15 % dân số.
- Đại đa số bệnh nhân là Nam (chiếm tỷ lệ trên 90%).
- Tuổi bắt đầu mắc bệnh là tuổi trẻ 13 – 30 tuổi (60% bệnh nhân dưới 20 tuổi).
- Khởi bệnh: thường âm ỉ, từ từ, tăng dần.
- Vị trí bắt đầu thường là cột sống (lưng, thắt lưng, cổ, khớp cùng chậu), khớp gối.
- Tính chất: Đau và cứng cột sống, Sưng nóng đỏ đau các khớp lớn (khớp gối, háng, cổ chân), Không hoặc ít đối xứng, Làm hạn chế các động tác cúi, ngửa, nghiêng… của cột sống lưng, thắt lưng, cổ. Teo cơ rất nhanh.
Dấu hiệu toàn thân: Sốt nhẹ, mệt mỏi , xanh xao.
Điều trị: Với các bệnh nhân trẻ tuổi, có tổn thương các khớp ngoại biên như khớp háng, khớp gối cần điều trị thuốc đặc trị sớm để ngăn ngừa và hạn chế sự tiến triển đến tàn phế (hạn chế dính khớp, teo cơ). Bảo vệ chức năng của khớp bằng cách tập vận động thường xuyên (đặc biệt bơi lội), tránh nằm co, nằm võng, nằm nệm lún là các điều trị hỗ trợ rất cần thiết giúp tránh hiện tượng teo cơ và dính khớp sớm của bệnh.
3. Bệnh Thoái hoá khớp và cột sống (Osteoarthritis - OA)
- Thuộc nhóm các bệnh khớp do Thoái hoá.
- Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi: 30 % trên tuổi 35, 60 % tuổi 65 và 85 % trên tuổi 80.
- Rất thường gặp, chiếm 25 đến 30 % các bệnh về khớp và ngày càng có xu hướng gia tăng vì tuổi thọ của con người ngày càng được nâng cao.
- Thường gặp hơn ở Nữ (chiếm 60 - 70%).
- Tuổi bắt đầu mắc bệnh thường là trên 50.
- Khởi bệnh âm ỉ, từ từ, tăng dần.
- Vị trí bắt đầu thường ở các khớp chịu sức nặng của cơ thể như: Khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp cổ chân, khớp háng.
- Tính chất: Cứng và khó cử động buổi sáng khi ngủ dậy, tập vận động thì đỡ (còn gọi dấu hiệu dỉ khớp và phá dỉ khớp). Thường đối xứng hai bên. Không hoặc ít có sưng nóng đỏ đau, thường chỉ là sưng, đau hay đau nhức, nhức mỏi. Biến dạng ít và chậm, thường do phì đại các đầu xương.
Dấu hiệu toàn thân: người bệnh thường mập, chậm chạp, thường kèm các bệnh liên quan tới tuổi khác như tăng huyết áp, thiểu năng vành, tiểu đường, loãng xương …
Điều trị: Tuy không có thuốc đặc trị nhưng việc loại trừ các yếu tố nguy cơ (giảm lực tỳ đè bất hợp lý lên các khớp bị thoái hoá, thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm cân nặng, tập vận động vừa sức, đều đặn, Sử dụng thuốc giảm đau khi cần, dùng các thuốc chống thoái hoá, bảo vệ sụn khớp, bổ sung Calcium, Vitamin D, E, C, nhóm B… và kiểm soát tốt các bệnh kèm theo là những điều trị rất có ích, bảo vệ và duy trì chức năng vận động của khớp.
4. Bệnh Loãng xương (Osteopososis).
- Thuộc nhóm các bệnh xương do chuyển hoá.
- Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi do lão hoá tế bào sinh xương, do kém hấp thu vitamin D ở ruột và do suy giảm chức năng các tuyến sinh dục.
- Rất thường gặp, thường đi kèm với bệnh thoái hoá khớp và ngày càng có xu hướng gia tăng vì tuổi thọ của con người ngày càng được nâng cao.
- Thường gặp hơn và nặng nề hơn ở nữ, nhất là sau khi mãn kinh (post menopause).
Bệnh thường bắt đầu biểu hiện lúc trên 60 tuổi, có thể bị sớm hơn khi có thêm các yếu tố sau:
+ Ít vận động hoặc không vận động ( do nghề nghiệp, do thói quen, do bệnh lý…)
+ Chế độ ăn thiếu calci, thiếu Vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu (do bệnh lý)
+ Bị các bệnh nội tiết: Suy tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), cường giáp...
+ Suy thận mãn, chạy thận nhân tạo định kỳ.
+ Sử dụng kéo dài thuốc nhóm Corticosteroid, chống động kinh, heparin…
+ Uống nhiều rượu, bia, càphê, nghiện hút thuốc lá.
Khởi bệnh âm ỉ, từ từ, tăng dần, lúc đầu thường không có triệu chứng rõ ràng.
Vị trí bắt đầu thường ở cột sống thắt lưng, cột sống lưng, toàn thân.
Tính chất: Đau âm ỉ, nhức mỏi toàn thân, ớn lạnh, sợ lạnh, hay bị chuột rút ... Thường có kèm các triệu chứng của thoái hoá khớp. Dễ gãy xương, gù vẹo cột sống, giảm chiều cao… khi loãng xương nặng
Dấu hiệu toàn thân: người bệnh thường kèm các bệnh khác liên quan tới tuổi tác như: tăng huyết áp, thiểu năng vành, tiểu đường, thoái hoá khớp…
Điều trị:
- Bổ sung calci, vitamin D (hoặc dẫn chất của vitamin D -Rocaltrol) và Protid .
- Tăng cường vận động, duy trì các vận động vừa sức, tránh các yếu tố nguy cơ.
Dùng thuốc để:
- Hạn chế hoạt động của tế bào hủy xương.
- Kích thích hoạt động của tế bào tạo xương.
Phòng ngừa Loãng xương bằng :
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt (nêu trên)
- Hormon thay thế cho phụ nữ sau mãn kinh (menopause) và cho nam giới khi có thiếu hụt (andropause).
5. Bệnh Thống phong (Bệnh Gout - Goutty Arthritis)
- Tỷ lệ mắc bệnh là: 0,3 % dân số người lớn.
- Thường gặp ở Nam (chiếm tỷ lệ trên 90%)
- Tuổi bắt đầu mắc bệnh, trung niên, từ 35 đến trên 40
- Khởi bệnh: cấp tính, đột ngột, diễn biến từng đợt, giữa các đợt khớp hoàn toàn trở lại bình thường
- Vị trí bắt đầu thường là các khớp chi dưới, đặc biệt ngón I bàn chân (70%)
Tính chất: Sưng nóng đỏ đau dữ dội, đột ngột. Ở một hoặc rất ít khớp, không đối xứng. Có thể tự khỏi sau 3 – 7 ngày (ở giai đoạn đầu).
Giai đoạn muộn biểu hiện ở nhiều khớp, có thể đối xứng, xuất hiện các u cục (Tophy) ở nhiều nơi đặc biệt quanh các khớp, ở vành tai.
Dấu hiệu toàn thân:
- Khi bị viêm khớp cấp, có thể sốt cao, đột ngột kèm rét run.
- Thể trạng thường khỏe mạnh, mập mạp, sung túc…
- Có thể kèm tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu.
Điều trị rất có kết quả khi kết hợp tốt giữa điều trị triệu chứng (thuốc kháng viêm giảm đau), điều trị phòng ngừa đều đặn, liên tục, lâu dài (thuốc làm giảm acid uric máu), điều trị các bệnh kèm theo, tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
6. Bệnh Sốt thấp cấp/Thấp khớp cấp /Thấp tim (Rheumatic Fever)
- Tỷ lệ mắc bệnh là: 0,5 – 0,6 % dân số trẻ em (dưới 15 tuổi), rất ít gặp ở người lớn.
- Gặp đều ở cả hai giới (Nữ = Nam)
- Bệnh thường mắc ở trẻ em lứa tuổi đến trường (thường từ 5 – 15 tuổi)
- Khởi bệnh thường là cấp tính với sốt, đau-viêm họng, đau-viêm khớp
- Vị trí bắt đầu thường ở các khớp lớn (khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân.
- Tính chất: Sưng nóng đỏ đau, khớp lớn, không hoặc ít đối xứng. Đau có tính chất di chuyển từ khớp này sang khớp khác, khi chuyển sang khớp mới, khớp cũ hết đau, không để lại di chứng tại khớp. Có thể có Viêm màng ngoài tim, màng trong tim, viêm cơ tim.
Dấu hiệu toàn thân: Sốt, viêm họng, mệt mỏi, xanh xao, múa vờn, suy tim …
Điều trị:
- Bệnh phải được chẩn đoán xác định sớm để có điều trị chống vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A ở họng, phòng thấp, ngừa tái phát, ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn ở tim, van tim của trẻ.
- Điều trị phòng thấp phải liên tục, đều đặn, đủ thời gian, đủ liều lượng.
7. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus - SLE)
- Tỷ lệ mắc bệnh là: 0,02 - 0,1 % dân số người lớn (chỉ chiếm 1/30 – 1/5 số bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp.
- Đại đa số là Nữ (90%).
- Bệnh bắt đầu mắc ở lứa tuổi trẻ (20 – 40) , 55 % dưới 30 tuổi.
- Khởi bệnh: có thể cấp tính hoặc bán cấp, cũng có thể từ từ tăng dần, sốt dai dẳng…
- Vị trí bắt đầu thường không rõ ràng, ở nhiều khớp, ở toàn thân.
- Tính chất: Cứng khớp buổi sáng nhẹ và ngắn. Đau nhức, nhức mỏi là chính. Đối xứng, Ít gây biến dạng khớp
Dấu hiệu toàn thân:
- Sốt kéo dài, xanh xao, ban cánh bướm ở mặt, mệt, khó thở, phù, sạm da, rụng tóc, loét miệng, rối loạn kinh nguyệt…
Điều trị: đây là bệnh toàn thân khá nặng, các điều trị hiện nay đều nhằm kéo dài thời gian lui bệnh, điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng ở tim, thận, phổi, thần kinh trung ương (nếu có) của bệnh.
Tiên lượng của bệnh rất dè dặt, đặc biệt khi bệnh nhân còn trẻ, tổn thương nhiều cơ quan (tim, thận, thần kinh trung ương…). Bệnh thường bộc phát, nặng lên trong thời kỳ thai nghén, sinh đẻ và cho con bú.
8. Các bệnh Viêm khớp do vi khuẩn gồm Lao và Vi khuẩn (Tụ cầu, Lậu cậu …)
- Thuộc nhóm bệnh khớp do nhiễm khuẩn trực tiếp.
- Vi khuẩn có thể vào khớp theo các đường chính : ngoài da, đường niệu và đường máu.
- Trực khuẩn Lao vào khớp bằng đường máu, sau nhiễm lao đặc biệt lao phổi.
- Có thể gặp ở cả hai giới, mọi tuổi, đặc biệt người già, trẻ em và những người suy giảm sức đề kháng, suy giảm miễn dịch.
- Khởi bệnh thường là cấp tính (nếu do vi khuẩn) hoặc bán cấp (nếu do lao)
- Vị trí bắt đầu thường ở một khớp, khớp lớn (khớp gối, khớp háng, cột sống).
- Tính chất: Không cứng khớp buổi sáng. Sưng nóng đỏ đau một khớp, cố định. Không đối xứng.
Dấu hiệu toàn thân:
- Sốt cao, dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân và tại chỗ.
- Có đường vào của vi khuẩn (ngoài da, đường niệu, đường máu…)
- Sốt về chiều, có dấu hiệu nhiễm lao, có nguồn lây bệnh.
Điều trị:
- Thuốc kháng sinh đặc hiệu theo mầm bệnh (nếu viêm khớp do vi khuẩn).
- Thuốc kháng lao theo các phác đồ điều trị lao hiện hành (nếu lao khớp).
- Điều trị tại chỗ, Bất động trong giai đoạn viêm cấp.
- Tập vận động, phục hồi chức năng sớm để tránh cứng khớp, teo cơ.
- Tiên lượng Tốt nếu điều trị đúng, đủ và sớm.
Với hoàn cảnh và trang bị kỹ thuật hiện tại, các bệnh này có thể được xác định sớm bởi các thầy thuốc chuyên khoa ở các cơ sở Y tế. Do vậy, người bệnh khi có những dấu hiệu đau nhức bất thường ở xương khớp thì không nên trì hoãn mà nên đi khám bệnh ngay ở các Thầy thuốc chuyên khoa để được phát hiện định bệnh sớm, qua đó người bệnh sẽ được điều trị hướng dẫn đúng cách để đạt kết quả cao nhất, hạn chế các tác dụng bất lợi không đáng có của việc chỉ dùng thuốc điều trị theo triệu chứng kéo dài, bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho một số rất lớn bệnh nhân, góp phần làm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và cho toàn xã hội.
Trong buổi nói chuyện chủ đề SỨC KHỎE XƯƠNG CƠ KHỚP sẽ trình bầy sâu hơn về hai bệnh thường gặp là thoái hóa khớp, loãng xương và có so sánh với bệnh còi xương ở trẻ em. Cũng sẽ hướng dẫn sử dụng calci và các thuốc hoặc thực phẩm chức năng dinh dưỡng cho xương cơ khớp hiệu quả nhất.
Sẽ nói chuyện thời sự về một vài chủ đề tâm linh như hiện tượng thần y chữa bệnh, ví dụ trước đây là cụ Trưởng Cần, hiện nay là một số nhà ngoại cảm (theo nghiên cứu của viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) và hiện tượng cúng bái chữa bệnh, có hay không hiện tượng ma nhập, phân biệt tâm thần hay ma nhập … giải thích cơ sở khoa học để phân biệt rõ tâm linh (tỉnh tín) và mê tín dị đoan.
Cuối cùng bác sĩ sẽ giải đáp các thắc mắc về chủ đề đã trình bày và các vấn đề chung về sức khỏe. Sẽ được giải thích chu đáo nếu các hội viên mang theo các kết quả khám chữa bệnh mà cần xin tư vấn thêm.
Bác sĩ Đàm Ngọc Ánh.

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che