Ảnh hưởng của mưa bão khiến nhiều trẻ nhỏ cảm cúm trong những ngày gần đây. Sốt về chiều tối, nghẹt mũi, ho, thậm chí tiêu chảy, nôn mửa và thở khò khè… là triệu chứng cha mẹ thường thấy. Ngoài ra, trẻ có thể nhõng nhẽo, cáu kỉnh và không chịu ăn trước khi bệnh khởi phát.Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa nội 1 - Bệnh viện Nhi đồng 2, cảm cúm hay xảy ra vào mùa mưa. Thời điểm này, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng dễ mắc cúm. Vì hệ thống miễn dịch chưa đủ mạnh nên trẻ dễ tái đi tái lại. Bệnh có thể biến mất sau một tuần, nhưng không thể lơ là, tránh biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, phế quản...
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt: Hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5-39 độ C. Nên chọn thuốc chia liều tiện sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh và kéo dài 4-6 giờ, ít tác dụng phụ, mùi thơm vị ngọt dễ uống. Khi dùng cho trẻ em phải tính toán liều lượng hợp cân nặng trẻ. Bác sĩ Thanh lưu ý cách chăm sóc khi trẻ cảm cúm:
Lau mát bằng nước ấm: Trẻ sốt nên dùng khăn bông mềm nhúng vào nước ấm, vắt hết nước, lau nhẹ khắp người trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán. Tránh dùng nước lạnh, nước pha rượu, cồn.
Cặp nhiệt độ thường xuyên cho con: Mẹ cần theo dõi chính xác và liên tục nhiệt độ cơ thể của con để có hướng điều trị thích hợp. Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ hoặc kéo dài hơn 2 ngày nên đến bệnh viện.
Bổ sung vitamin C: Để con nhanh khỏi cảm cúm, cha mẹ nên tăng miễn dịch cho con bằng cách bổ sung vitamin C hàng ngày. Các loại thực phẩm nên ăn là bắp cải, rau bina, hoặc ly nước cam vào buổi sáng...
Hút rửa mũi: Nếu bé chảy nước mũi, mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý, hút hoặc rửa để đường thở thông thoáng.
Uống nhiều nước: Thói quen này ngăn ngừa tình trạng mất nước, làm loãng dịch tiết mũi, giúp bé hít thở dễ dàng hơn. Với bé 6 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể cho uống nước trắng. Trẻ trên một tuổi có thể dùng nước ép trái cây tươi, không thêm đường.
Để phòng cúm, nên chủng ngừa bệnh cúm cho bé; cách ly với trẻ bệnh; rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với người khác...
An San