Cập nhật lúc:
9/7/2017 9:32:26 AM
Nhịn ăn sáng, thức khuya, dùng thực phẩm chứa chất bảo quản, lạm dụng thuốc tây... đều gây hại lá gan.
Gan là nhà máy lọc quan trọng của cơ thể, có chức năng chuyển hóa thực phẩm thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể; sản xuất, bài tiết mật; điều hòa hormone; tổng hợp enzyme; thải độc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người mắc bệnh gan do duy trì những thói quen gây hại dưới đây:
Nhịn ăn, bỏ bữa
Nhiều người cố gắng giảm cân, thải độc cơ thể bằng cách nhịn ăn sáng, bỏ bữa tối. Điều này phản khoa học, thậm chí ảnh hưởng tới hoạt động của gan. Khi nhịn ăn, gan và toàn bộ cơ thể không thể hoạt động hiệu quả vì thiếu năng lượng trong thời gian dài. Bạn cần ăn đủ bữa để cung cấp năng lượng thường xuyên cho cơ quan này sản xuất ra enzyme thải độc tố.
Nhịn đói còn khiến bạn dung nạp nhiều năng lượng hơn bình thường khi ăn uống trở lại. Lúc đó gan đang quen nghỉ ngơi, giờ phải làm việc quá sức, làm xáo trộn nhịp sinh học, gây phản tác dụng lên sức khỏe.
|
Bạn cần ăn đủ bữa để cung cấp năng lượng cho gan sản xuất ra enzyme thải độc tố.
|
Dùng thực phẩm chứa độc tố, chất bảo quản
Hóa chất độc hại dùng trong trồng trọt, chăn nuôi là kẻ thù nguy hiểm của lá gan. Chất bảo quản trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, dầu mỡ… cũng khiến gan làm việc kiệt sức. Nước ngọt có gas chính nguyên nhân khiến bệnh gan nhiễm mỡ gia tăng. Việc dùng các thực phẩm để lâu, bảo quản sai cách sinh nấm mốc cũng dẫn tới nguy cơ nhiễm độc, thậm chí ung thư.
Uống rượu bia, hút thuốc lá
Thói quen uống bia rượu, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, hội họp... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe lá gan. Khi vào cơ thể, rượu tổng hợp thành acetaldehyd có khả năng gây ngộ độc tế bào gan. Sau đó, gan sản sinh ra các enzym chuyển acetandehyd thành acetat ít độc hơn và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên khả năng chuyển hóa có hạn, nếu uống rượu bia nhiều sẽ khiến acetandehyd ứ lại, gây bệnh gan nhiễm mỡ, viêm, xơ và ung thư gan.
Uống rượu bia nhiều sẽ khiến acetandehyd ứ lại, gây bệnh gan
Lạm dụng thuốc Đông, Tây y
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng cho lá gan. Nhiều người bệnh sử dụng các loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, gây ngộ độc gan. Thuốc Tây cũng có nhiều loại làm men gan tăng. Vì vậy khi đi khám gan, bạn nên chia sẻ thông tin các loại thuốc đang sử dụng với bác sĩ. Chuyên gia sẽ cân nhắc chỉ định dược phẩm phù hợp với mỗi bệnh nhân, tránh làm tăng gánh nặng cho gan.
Thức khuya
Thức quá khuya khiến cơ thể không được nghỉ ngơi, gan khó hồi phục. 23h đêm đến 1h sáng là khoảng thời gian bài độc của gan, nó chỉ phát huy hết công hiệu khi bạn chìm sâu vào giấc ngủ. Khi ngủ, máu về gan giúp cơ quan này thực hiện chức năng thải độc tố của cơ thể tốt hơn. Đây cũng là lý do vì sao bạn nên đi ngủ trước 22h để có làn da đẹp mịn màng và cơ thể khỏe mạnh.
Để lá gan khỏe, bạn cần ăn uống đầy đủ, cân đối dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn gây hại; thận trọng khi dùng thuốc; hạn chế rượu bia, thuốc lá; tập thể dục đều đặn; ngủ đủ giấc, đúng giờ. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại enzyme thiên nhiên được chiết xuất bằng công nghệ sinh học từ những loại củ quả quen thuộc như đu đủ, củ cải, mướp đắng, gấc… Chúng được y học chứng minh có hiệu quả tăng cường chức năng gan, thúc đẩy quá trình thải độc trong cơ thể, phòng ngừa các bệnh về gan.