“Choáng” với giá xăng
Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều chỉnh tăng giá đối với một số mặt hàng xăng dầu kể từ 20h ngày 28/3/2013. Theo như quyết định này, các DN xăng dầu được phép tăng tối đa giá bán thêm 1.430 đồng/lít đối với xăng A92 (vùng 1) đưa giá bán mới lên tới 24.580 đồng/lít.
Đây được coi là mức giá cao nhất, phá kỷ lục lập hồi tháng 4/2012 (23.800 đồng/lít). Ngoài ra, đợt điều chỉnh này cũng tăng giá dầu diesel thêm 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít và dầu mazút cũng được điều chỉnh với mức tối đa lên 807 đồng/kg.
Bộ Tài chính đã nêu ra 3 lý do để tăng giá xăng dầu. Thứ nhất, giá xăng dầu hiện có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Thứ hai, do Quỹ bình ổn giá đã hết. Thứ ba, giá trong nước hiện đang thấp hơn giá của các nước có chung biên giới với Việt Nam từ 2.000 - 5.000 đồng/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu rất phức tạp.
Tuy nhiên, những lý do đưa ra chỉ mang tính chung chung khiến người dân, được cho là chịu thiệt trước mắt cảm thấy không minh bạch.
Mặc dù không quá bất ngờ với việc điều chỉnh tăng giá do thời gian qua, giá xăng dầu trong nước đã “nhấp nhổm” vài lần khi giá xăng dầu thế giới có biến động. Nhưng với mức tăng “khủng” lần này, dư luận tỏ ra khá băn khoăn bởi trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người dân phải thắt chặt chi tiêu thì việc tăng gần 1.500 đồng/lít xăng không còn là chuyện nhỏ nữa.
Chị Nguyễn Thanh Mai (công nhân may KCX Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, tại sao mỗi lần giảm giá xăng chỉ giảm có chút ít 200 – 300 đồng/lít, vậy mà lúc tăng thì cứ ào ào đến 1.000 – 2.000 đồng/lít? “Chỉ khổ những người lao động nghèo, lương bổng chẳng được bao nhiêu. Nếu nhà có 2, 3 người đều đi làm xa cả hơn chục cây số, cộng vào một tháng sẽ đội chi phí lên cả trăm ngàn chứ chả ít.
Đó là chưa kể đến thời gian tới còn chưa biết hàng trăm thứ hàng hóa, rau thịt có “vin” vào giá xăng tăng mà đẩy giá cả lên theo không?”, chị Mai than thở.
Theo phản ánh của nhiều người dân, trên thực tế cứ sau một đợt tăng giá xăng dầu, điện nước là y rằng sẽ có một số mặt hàng, nhất là thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu lại có sự biến động theo.
Mặc dù, theo chủ trương chung của liên bộ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá, dịch vụ khác không hợp lý trong sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, về tính hiệu quả của nó vẫn còn là vấn đề cần phải bàn.
Vận chuyển… lãnh đủ
Ai cũng biết giá xăng, dầu tăng cao sẽ buộc ngành vận tải phải điều chỉnh lại giá cước. Thực tế, chẳng DN vận tải nào muốn tăng giá trong thời điểm hiện tại, nhưng không tăng thì không thể tồn tại. Từ đây, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí lưu thông hàng hóa và sẽ kéo theo nhiều mặt hàng phải tăng giá, làm loạn nhịp thị trường.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc tăng giá xăng cao như mức hiện nay sẽ có tác động trước tiên đến đời sống sinh hoạt, tiêu dùng của đại đa số người dân và tiếp theo là ảnh hưởng trực tiếp đến các DN hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng xe du lịch do nguyên liệu chủ yếu bằng xăng.
Chủ một DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển du lịch tại Quận 9 cho rằng, mỗi lần tăng giá xăng dầu là DN khổ chứ chẳng sung sướng vì phải mất công giải thích với khách hàng.
Hơn nữa, mới nhìn tưởng tăng 1, 2 ngàn đồng chẳng bõ bèn gì nhưng nếu tính toán kỹ trung bình cứ chạy khoảng 100km, một xe du lịch sẽ tiêu hao khoảng 8-10 lít xăng, với mức tăng như hiện nay, chi phí cho xăng dầu sẽ bị đội lên khoảng 5-10%, điều này có nghĩa giá thành đầu ra cũng sẽ tăng đáng kể do xăng dầu thông thường chiếm khoảng 40 - 50% chi phí giá thành.
Theo ông Tạ Song Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, mặc dù trước mắt các DN taxi chưa tăng giá cước mà sẽ sử dụng các nguồn quỹ để bù đắp vào khoản chênh lệch do giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, nếu tình hình giá xăng vẫn tiếp tục ở mức cao kéo dài hoặc biến động tăng giá tiếp thì DN phải xem xét điều chỉnh giá cước taxi.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu khá nhạy cảm với ngành vận tải, vận chuyển hành khách nói chung.
Dù tinh thần chung trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các DN vận tải trên địa bàn cố gắng tính toán để tránh đẩy giá thành tăng lên, nhưng thực tế có nhiều DN chạy xe khách, xe du lịch vận chuyển theo tour, chuyến đường dài vẫn buộc phải tăng giá vì nếu giữ nguyên giá thành hiện tại trong khi mức tăng đối với mỗi lít xăng là khá cao sẽ không bù đắp nổi chi phí.
Vì vậy, mong mỏi chung của nhiều DN trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển lúc này là khi tình hình giá xăng dầu thế giới đang có chiều hướng giảm, hy vọng Chính phủ sẽ sớm có sự xem xét, tính toán điều chỉnh để giá xăng dầu bán lẻ trong nước sắp tới sẽ giảm trở lại, giúp các DN bình ổn hoạt động kinh doanh trong tình hình khó khăn hiện nay.
Theo Nhật Minh