Kêu bán mía chẳng ai mua
Đã vào vụ thu hoạch mía nhưng vùng mía huyện Phụng Hiệp lại rất đìu hiu. Năm nào cũng vậy, đây là vùng thu hoạch sớm nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long vì phải chạy lũ và sản xuất thêm 1 vụ lúa. Nông dân rất lo lắng khi nhà máy tạm ngừng hoạt động, kéo dài thời gian thu hoạch sẽ trễ vụ lúa.
Bà Nguyễn Thị Oanh ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng trồng 5 công mía giống gốc 16 (ROC 16) than thở: “Mấy bữa trước, thương lái lại trả 1.000 đồng/kg chưa kịp bán thì nay nhà máy ngừng hoạt động không ai chịu mua. Cả vùng mía này đều trồng giống ROC 16 chín sớm để thu hoạch trước khi lũ về và còn sản xuất thêm 1 vụ lúa”.
Gia đình bà Oanh đã đầu tư gần 30 triệu đồng để trồng mía nhưng năm nay giá thấp nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Theo bà Oanh, giống mía ROC 16 chín sớm, nhưng có nhược điểm là chịu nước kém. Nếu mía ngập nước sẽ bị trổ cờ, bị bọng nên nhẹ cân. Trong khi đó, vùng này lại không có đê bao nếu không thu hoạch trước khi nước lũ đổ về là dân trồng mía bị thiệt hại lớn do mía dồn ứ, thiếu nhân công thu hoạch…
Gia đình bà Tăng Kim Thúy ở nhà kế bên cũng mới định bán mía nhưng bây giờ nhà máy ngừng, không biết kêu bán cho ai. Bà Thúy cho biết: “Năm nay giá mía rẻ nên lời chẳng bao nhiêu. Bởi vậy tui tính thu hoạch sớm để kịp làm thêm vụ lúa mong có cái ăn nhưng bán cũng không ai mua. Nếu trễ vụ lúa chắc lên Bình Dương làm thuê, làm mướn chứ ở đây làm gì mà sống…”.
Năm nay, giá mía thấp trong khi chi phí sản xuất cao nên dân trồng mía rất lo lắng. Ông Trần Văn Tư ở ấp Phương An, xã Phương Bình trồng 6 công mía nhưng tính toán kỹ chẳng có lời đồng nào.
Ông Tư cho biết: “Tui đang thu hoạch 6 công mía bán với giá 900 đồng/kg, tính ra lời chỉ 6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tính kỹ lại công chăm sóc 8 tháng ròng rã thì chẳng còn đồng nào. Bởi vậy, tui phải đổi công với những người trong xóm để đỡ tốn chi phí”.
Trồng mía không có lời nên ông thu hoạch sớm để xuống giống hoa màu mong kiếm sống qua ngày. Ông Tư cho rằng mình may mắn kêu bán sớm để còn tính trồng màu đỡ mấy tháng chứ nhà máy ngừng, nhiều hộ buộc phải neo mía lại mà giá không tăng thì coi như chẳng biết tìm cách nào để sống.
Nhà máy đổ thừa cho dân
CASUCO bắt đầu khởi ép vụ mía mới từ ngày 23.8. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày đã thông báo tạm ngừng vì không mua đủ mía. Ông Phạm Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: “Hết ngày 28.8, cả 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh sẽ tạm ngừng hoạt động. Dự kiến nửa tháng tới sẽ hoạt động trở lại”.
Theo ông Vinh, nguyên nhân tạm ngừng hoạt động là do chữ đường (CCS) thấp, nếu mua sẽ cho sản lượng đường thấp. Hiện tại, mía chỉ từ 8 đến 9 CCS, riêng giống ROC 16 trên 9 CCS. Đồng thời, năm nay lũ chưa về nên dân muốn neo mía lại khi thấy đầu vụ giá thấp. Trong 5 ngày hoạt động, Nhà máy Đường Phụng Hiệp chỉ mua được 8.000 tấn mía cây, trung bình 1.500 tấn/ngày trong khi công suất nhà máy tới 3.000 tấn mía cây/ngày.
Tuy nhiên, rất nhiều nông dân không đồng tình với cách giải thích của lãnh đạo nhà máy và họ cho rằng việc CASUCO tạm ngừng hoạt động là gây khó cho nông dân. Giá mía ở vùng nguyên liệu sau khi nhà máy ngừng mua ngay lập tức giảm. Mấy ngày trước, giá mía 1.000 đồng/kg thì nay đã giảm xuống chỉ còn có 850 đến 900 đồng/kg.
Ông Tăng Văn Thanh – trồng mía lâu năm ở xã Hiệp Hưng cho biết: “Bây giờ thương lái trả 850 đồng, tui cũng bán. Bởi vì đây là vùng không có đê bao chỉ cần trễ chừng 10 ngày nữa là coi như không sạ được lúa. Mấy năm trước khi giá đường cao nhà máy chạy sớm, mía chỉ 6 đến 7 CCS mà nông dân cũng bán. Năm nay mía đã 9-10 CCS thì không lý do gì mà nông dân không bán. Nhà máy đổ thừa cho dân như vậy là hoàn toàn sai. Cả xóm này ai cũng nôn nóng bán cho xong để còn làm lúa kiếm sống mà có ai mua đâu”.
Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Khi nhà máy tạm ngừng hoạt động thì nguy cơ mía bị thiệt hại sẽ rất lớn. Nếu lũ về trong thời gian ngắn không thể thu hoạch kịp, mía sẽ bị dồn ứ dẫn đến ngập úng.
Hiện tại, toàn huyện Phụng Hiệp mới thu hoạch được 152,5ha trên tổng số hơn 9.000 ha đã xuống giống. Trong đó, có khoảng 2.600ha không có đê bao cần thu hoạch sớm trước khi lũ về.
Ngành nông nghiệp kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo thu hoạch dứt điểm trước ngày 30.8 đối với diện tích mía trong vùng không có đê bao. Tuy nhiên, đến nay thu hoạch chưa được bao nhiêu thì nhà máy đã ngừng hoạt động. Đồng thời, người dân cũng rất nôn nóng muốn bán mía để sản xuất thêm 1 vụ lúa nữa vì khi nước lên ngập liếp là không sạ được…”.
Hiện giá đường bán buôn tại nhà máy chỉ dao động từ 15.200 đồng đến 15.300 đồng/kg. Như vậy, sau khi ép 13,5 đến 14kg mía mới được 1kg đường thì nhà máy không có lời. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhà máy kéo dài thời gian bằng cách tạm ngừng hoạt động để dân neo mía, chờ CCS trong mía tăng lên. Trong khi đó, dân trồng mía ở những vùng ngập lũ thì bị thiệt hại nặng khi giá mía đã thấp còn không làm thêm vụ lúa.
Theo Hoàng Mai
Dân việt