Truy trách nhiệm địa phương chống gà lậu
Dự thảo “Đề án Ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm không được phép nhập khẩu” của Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ mới đây đã đặt mục tiêu, đến hết năm 2013, cơ bản chấm dứt tình trạng nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh biên giới.
Trọng tâm là 17 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Chính phủ sẽ truy đến cùng trách nhiệm địa phương trong việc này.
Đề án này nêu rõ 100% cấp ủy, chính quyền địa phương xã, huyện biên giới phải chịu trách nhiệm không cho gia cầm nhập lậu và địa bàn. 100% các phương tiện vận chuyển gia cầm từ biên giới vào nội địa phải được kiểm tra. 100% Trưởng ban quản lý các chợ phải nắm bắt được tình hình và chịu trách nhiệm về việc kinh doanh gia cầm nhập lậu tại chợ.
Một lộ trình hoàn thành việc chặn đứng gà lậu cũng được đề án nêu cụ thể. Theo đó, sớm nhất là mục tiêu đến ngày 31/1/2013, tỷ lệ gà nhập lậu vào sâu nội địa phải giảm chỉ còn 30%, lọt vào các chợ chỉ còn 20% và không quá 10% số hộ kinh doanh gà nhập lậu tại các chợ đầu mối.
Đến 31/3/2013, tỷ lệ gà nhập lậu vào nội địa tiếp tục giảm còn 20%, vào các chợ giảm 10% và còn không quá 5% số hộ kinh doanh gà nhập lậu tại các chợ đầu mối.
Riêng tại Hà Nội, đề án yêu cầu 100% gia cầm đưa vào các chợ đầu mối phải đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp, đã được kiểm dịch, đảm bảo an toàn. Đến 31/1/2013, số hộ kinh doanh gà lậu tại chợ Hà Vĩ , Thường Tín phải chuyển sang kinh doanh gia cầm Việt Nam với tỷ lệ 90% và đến 31/3/2013 là 100%.
Mục tiêu tổng quát là năm 2013, các ban ngành địa phương phải xóa bỏ 100% các điểm tập kết gà lậu.
Người Việt nhập phải gà tiêu hủy
Để soạn thảo đề án trên, một nghiên cứu nhanh về thị trường gà ở Trung Quốc của các chuyên viên trong ngành nông nghiệp và công thương đã phát hiện, gà thải loại Trung Quốc có 2 “phẩm cấp” khác nhau.
Trong đó, loại gà tuồn sang Việt Nam là loại gà bẩn mà ở nước này, sẽ buộc phải tiêu hủy hoặc chỉ dùng sản xuất thức ăn gia súc. Đây là loại gia không được phép làm thực phẩm cho người, theo đúng nghĩa đen của từ “thải loại”.
Tại Việt Nam, kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho thấy, 100% mẫu gà thải loại Trung Quốc đều có tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép, 60% mẫu có virus cúm gia cầm.
Theo các chuyên gia, tại Trung Quốc, ngoại trừ loại gà thải phải tiêu hủy thì còn một lượng lớn gà thải vẫn ăn được. Loại gà này vẫn có mặt ở các nhà hàng bình dân và được người bán phân loại rõ ràng với gà thông thường. Thị trường tiêu thụ gà “loại” này sôi động ở các địa phương Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô, Hồ Bắc.
Thực chất, đây chỉ là gà già, khả năng khai thác trứng chất lượng cao không còn, tiêu chuẩn dinh dưỡng suy giảm.
Chính vì hợp pháp, giá gà thải tại Trung Quốc cũng không hề rẻ so với hàng thông thường. Một kg gà thải bán buôn chỉ thấp hơn khoảng 1 NDT, tương ứng 3.400 đồng/kg so với gà thịt thông thường. Trên thị trường bán lẻ, mức chênh lệch này chỉ vào khoảng 5-6 NDT/kg, tương ứng từ 17.000- 20.400 đồng/kg.
Ví dụ, ngày 10/12/2012, giá gà thải bình quân của Trung Quốc vào khoảng 9,94 NDT/kg, đương đương 33.800 đồng/kg. Trong đó, giá gà thải cao nhất là tại An Huy với giá 11,6 NDT/kg, 40.000 đồng/kg. Giá gà thải thấp nhất tại Hắc Long Giang, Nội Mông là 8,6NDT/kg với giá 29.200 đồng/kg.
Tuy nhiên, vì gà tuồn lậu sang Việt Nam lại là gà bẩn, gà bệnh nên mức giá mà thương lái Trung Quốc bán cho Việt Nam rẻ bèo, chỉ bằng 44% giá trung bình gà thải tại Trung Quốc, tương ứng khoảng 15.000 đồng/kg.
Trung bình, khi sang lãnh địa Việt Nam, về tới Móng Cái, Quảng Ninh, gà “bẩn” được nâng lên có giá tầm 30.000-35.000 đồng/kg.
Vào “mùa” thải gà của các trang trại chăn nuôi ở Trung Quốc, loại gà này còn rẻ nữa và có lúc, giá ở Móng Cái chỉ còn 25.000 đồng/kg. Khi tuồn sâu vào các chợ thì giá đội thêm 4-5 lần, vào khoảng 65.000-70.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là, với một số lượng gà thải thuộc diện phải tiêu hủy này rất khổng lồ như vậy, “bỗng dưng” được xuất qua biên giới lên tới 80 tấn/ngày tương đương 26.600 con/ngày thì không thể không nhắc tới trách nhiệm của chính quyền địa phương Trung Quốc. Các chuyên gia đều khuyến nghị, vấn đề quan trọng tới đây là để Việt Nam chặn được gà nhập lậu, chắc chắn sẽ cần phải có sự hợp tác tích cực từ chính quyền địa phương nước bạn.
Đây là cuộc chiến dai dẳng. Vì vậy, theo đề án, tổng lực lượng tiêu diệt gà lậu này sẽ được huy động từ 4 ngành chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường. Các sở ban ngành địa phương như Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính phải vào cuộc để siết chặt vấn nạn này.
Để hoàn thiện đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ thị, các chế tài trong đề án này phải tăng mạnh. Ví dụ như quy định tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện vận chuyển để làm tê liệt ngay đường dây nhập khẩu- tiêu thụ. Ngoài ra,có thể có thêm cơ chế hỗ trợ cho các hộ kinh doanh gà lậu nhập khẩu chuyển sang kinh doanh gà Việt Nam.
Theo Phạm Huyền
VEF