Đây được xem là vụ bạo lực đẫm máu nhất tại Nam Phi mặc dù quốc gia này thường xuyên xảy ra đình công và bạo lực.
3.000 thợ mỏ cầm gậy gộc tấn công cảnh sát tại mỏ bạch kim Marikana (Ảnh: idahostatesman)
Đây được xem là vụ bạo lực đẫm máu nhất tại Nam Phi mặc dù quốc gia này thường xuyên xảy ra đình công và bạo lực.
Cảnh sát Nam Phi xác nhận ít nhất 34 người chết, và 78 người bị thương trong vụ đụng độ xảy ra chiều qua (17/8) giữa cảnh sát và hàng nghìn thợ mỏ của Công ty khai khoáng Lonmin tại mỏ bạch kim Marikana, cách thành phố Johannesburg khoảng 100 km về phía Tây Bắc.
Theo bà Phiyega - Người phát ngôn của Lực lượng cảnh sát quốc gia Nam Phi, đây là một ngày buồn đối với đất nước: “Lực lượng cảnh sát Nam Phi rất buồn khi để xảy ra vụ việc có nhiều người thiệt mạng như vậy. Chúng tôi đã làm tất cả trong quyền hạn của mình để ngăn chặn tình huống như thế này xảy ra. Chúng tôi tiếc thương cho những người đã mất đi mạng sống nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tiến bước để đảm bảo an toàn cho người dân và cho đất nước”.
Hơn 3.000 công nhân cầm dao và gậy gộc đã tấn công nhóm cảnh sát đang lập rào chắn bằng dây thép gai để ngăn chặn cuộc đình công được cho là bất hợp pháp của thợ mỏ. Sau khi nỗ lực giải tán cuộc đình công không thành, cảnh sát chống bạo động đã bắn vào những người tham gia đình công.
Cuộc đình công của các thợ mỏ Marikana khởi phát từ ngày 10/8 vừa qua sau khi các công nhân yêu cầu Công ty khai khoáng Lonmin tăng lương cho công nhân lên 4.000 ren, tương đương 486 USD. Đây được xem là vụ bạo lực đẫm máu nhất tại Nam Phi mặc dù quốc gia này thường xuyên xảy ra đình công và bạo lực đẫm máu.
Giới truyền thông gọi vụ việc này là “vụ thảm sát Marikana”, gợi lại hình ảnh về vụ thảm sát năm 1960 dưới chế độ Apartheid làm 69 người thiệt mạng. Các đảng chính trị và công đoàn Nam Phi đã yêu cầu triển khai một cuộc điều tra về vụ đụng độ này.
Marikana là khu mỏ bạch kim lớn thứ 3 trên thế giới với xấp xỉ 28.000 nhân công./.
Theo Vũ Anh Tuấn
VOV