Sự việc một lần nữa cho thấy công tác điều hành nền kinh tế của Ấn Độ vẫn còn nhiều vấn đề, dù nước này đã vấp phải sự cố tương tự trong ngành viễn thông, gây thiệt hại hàng chục tỉ đô la.
Bán rẻ 142 mỏ than, thiệt hại 34 tỉ USD
Báo cáo do Cơ quan Tổng kiểm toán (CAG) đưa ra hôm 17/8 cho thấy chính quyền Ấn Độ đã phạm sai lầm vào tháng 7/2004. Đó là khi 142 mỏ than đã được bán cho nhiều công ty tư nhân và nhà nước với mức giá rất nhỏ mà không thông qua việc đấu thầu. Một cuộc đấu giá có thể sẽ mang lại số tiền lớn hơn rất nhiều.
Sau khi có giấy phép khai thác than, khá nhiều công ty đã không đi vào hoạt động cho tới tận năm 2010. Một số công ty sau đó đã kiếm bộn tiền bằng cách bán lại các mỏ than mà họ mua được với giá rẻ. Số khác đã tận dụng cơ hội để khai thác và bán than ngay từ thời điểm 2004. Hậu quả là chính phủ đã thiệt hại mất 34 tỉ USD. Báo cáo chỉ trích phương thức bán mỏ than của chính phủ, nói rằng nó thiếu sự minh bạch.
Có nguồn than dồi dào nhưng Ấn Độ hiện đang thiếu hụt khá nhiều than để đáp ứng cho ngành năng lượng. Tháng trước, hơn 600 triệu người ở đất nước này đã không có điện trong nhiều giờ, sau khi mạng lưới điện quá tải, đẩy miền Bắc, Đông và Đông Bắc Ấn Độ vào bóng tối. Thiếu nguồn cung than đá, các công ty điện Ấn Độ giờ phải tìm nguồn nhập than từ Ấn Độ và Australia.
Báo cáo do CAG đưa ra đã làm dấy lên những lời chỉ trích nhằm vào chính phủ, vốn đang vấp phải nhiều lời than phiền khác về nạn tham nhũng và chậm đẩy mạnh cải cách kinh tế. Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền thiệt hại vì điều hành kém hoặc do nạn tham nhũng.
Trong năm ngoái, nhiều vụ bê bối đã xuất hiện, liên quan tới hàng loạt các bộ trưởng và quan chức cao cấp Ấn Độ. Một vụ có liên quan tới việc chính quyền đã bán giấy phép cung cấp mạng điện thoại di động 2G cho các công ty viễn thông với giá rất rẻ. Sau khi mua được giấy phép, các công ty này đã lập tức bán lại và thu lợi khổng lồ.
Vụ thứ hai liên quan tới hoạt động tổ chức Đại hội thể thao khối Các nước Thịnh vượng chung, trong đó nhiều quan chức bị cáo buộc đã tham ô tiền công chi cho việc chuẩn bị sự kiện.
Hoạt động điều hành yếu kém?
Hôm 17/8, các nghị sĩ đối lập đã chỉ trích chính phủ vì không thúc đẩy một đạo luật cho phép triển khai quy trình đấu thầu liên quan tới việc khai thác các mỏ than, dù đề xuất luật đã được đệ trình lên Quốc hội từ năm 2006. "Đây là một vụ lừa đảo đã diễn ra ngay dưới mũi ngài Thủ tướng. Chúng tôi muốn có câu trả lời và những sự giải thích từ phía ngài Thủ tướng liên quan tới các cáo buộc do CAG đưa ra" - Rajiv Pratap Rudi, phát ngôn viên đảng Bharatiya Janata đối lập nói.
Chính phủ cho biết báo cáo của CAG sẽ được một ủy ban kiểm toán của Quốc hội xem xét, trước khi chính phủ có phản ứng. V. Narayanasamy, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng, nói rằng báo cáo CAG không quyết định tất cả. Ngoài ra, chính phủ còn phản đối cách thức tính toán lợi nhuận của các công ty khai thác và phần thiệt hại mà chính phủ phải gánh chịu, cho rằng vẫn còn nhiều chi tiết không hợp lý.
Chính phủ cũng bào chữa rằng khi các mỏ than được đưa ra bán vào năm 2004, luật hiện hành khi đó không cho phép việc đấu thầu. Việc thay đổi chính sách và quy trình điều hành có thể sẽ kéo dài thời gian tới vài năm, trong khi rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang cần than để sản xuất.
Được biết, một bản thảo ban đầu của báo cáo CAG từng lọt vào tay báo giới Ấn Độ trước đó thậm chí còn nói rằng chính phủ đã mất gần 210 tỉ USD từ hoạt động bán quyền khai thác than kể trên.
Cơ quan kiểm toán sau đó giải thích rằng họ đã giảm bớt số tiền thiệt hại, do khi trừ đi lợi nhuận mà các công ty do nhà nước sở hữu thu được từ việc khai thác mỏ. CAG cũng chỉ tính toán lợi nhuận mà các công ty tư nhân thu được tại các mỏ lộ thiên. Cơ quan này không nói rõ vì sao họ không tính toán lợi nhuận ở các mỏ ngầm dưới đất.
Giới quan sát nói rằng con số thiệt hại lần này có thể sánh ngang với đợt chính phủ bán "hớ" giấy phép cung cấp dịch vụ 2G cho điện thoại di động hồi năm 2008, vốn đã được cơ quan kiểm toán phát hiện gây thiệt hại tới 36 tỉ USD.
Theo Tường Linh
TT&VH