Peter Thum nấu chảy vũ khí và chế tạo thành đồ trang sức với giá khoảng 85-1.400 USD. Một phần lợi nhuận sẽ được đóng góp cho các quỹ ngăn chặn bạo lực có vũ trang và hỗ trợ nạn nhân.
Tháng 6 năm nay, Peter Thum (New York, Mỹ) thành lập Liberty United. Công ty của anh chuyên chế tạo đồ trang sức từ súng và đạn. Đến nay, công ty đã được giao cho 1.000 khẩu súng bị giới chức Mỹ tịch thu tại Philadelphia, Newburgh (New York) và Syracuse (New York). Thum cho biết anh chọn ba thành phố này do đây là những nơi có tỷ lệ bạo lực liên quan đến súng đạn cao.
Tại mỗi thành phố, Liberty United đều thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với văn phòng thị trưởng. Thông thường, sau khi tịch thu vũ khí phi pháp, giới chức Mỹ sẽ phân loại và tiêu hủy chúng. Tuy nhiên, khi Liberty United ra đời, số súng sau khi phân loại được chuyển cho công ty để mang đi tháo dỡ và nung chảy. Cuối cùng, Liberty United thu lại phần kim loại và dùng chúng để làm đồ trang sức, CNN cho biết.
|
Liberty United có thể chế tạo những đồ trang sức như thế này từ vũ khí. Ảnh: Lucky Mag
|
Liberty United đã hợp tác với nhà thiết kế trang sức Philip Crangi để tạo ra các bộ sưu tập nhẫn, vòng cổ và vòng tay với giá khoảng 85-1.400 USD. Một phần số tiền sẽ được đóng góp cho các quỹ ngăn chặn bạo lực có vũ trang và hỗ trợ các nạn nhân. Liverty United cũng đóng góp 25% cho những chương trình dạy nghề cho tù nhân hoặc trung tâm cải tạo.
Các sản phẩm của Liberty United cũng được bày bán trực tuyến. Mỗi sản phẩm còn khắc mã số khẩu súng mà Liberty United dùng để lấy vật liệu. Hiện công ty hợp tác với nhà thiết kế Pamela Love để cho ra bộ sưu tập có giá tương tự, gồm vòng cổ và khuy tay áo có đính đá quý.
Đây không phải làn đầu tiên Thum bước chân vào lĩnh vực kinh doanh. Năm 2002, ông từng thành lập Ethos Water, chuyên cấp vốn cho các dự án nước sạch và vệ sinh tại các quốc gia đang phát triển. Ba năm sau, ông bán công ty cho Starbucks với giá 7,7 triệu USD.
Trong một chuyến đi đến châu Phi với vai trò đại diện Ethos, ông đã nảy ra ý tưởng thành lập Fonderie 47. Công ty này cũng chuyên thu nhặt súng AK 47 để làm đồ trang sức và các phụ kiện khác. “Tôi từng bị chặn trên đường bởi một cậu bé 12 tuổi, vai mang súng. Khi ấy, tôi nhận ra rằng mình sẽ chẳng làm được điều ý có ý nghĩa cho đến khi giải quyết được vấn đề bạo lực. Vì thế, tôi muốn dùng kinh nghiệm của mình từ Fonderie 47 để hạn chế tệ nạn này tại Mỹ”, Thum cho biết.
Hà Thu