“Chưa tìm ra cách bán hàng khôn ngoan nhất. Những chương trình khuyến mãi như “giá sốc cuối tuần”, “tuần lễ vàng”… xét về hiệu quả thì chỉ ở mức “tạm tạm””, giám đốc kinh doanh một hệ thống bán lẻ lớn thừa nhận. Vị này tiết lộ, với nhiều sản phẩm chiến lược như tivi, tủ lạnh, máy lạnh, điện thoại di động…, nhà bán lẻ muốn giảm giá xuống nữa thay vì tặng quà, nhưng không được tự ý giảm giá thấp hơn mức giá quy định mà các nhà sản xuất và nhập khẩu cho phép. “Nếu được giảm giá sẽ bán chạy hơn, nhưng nếu đơn phương giảm giá sẽ vi phạm chính sách chung của nhà sản xuất và bị phạt bằng nhiều hình thức như giảm tỷ lệ chiết khấu, thậm chí là bị ngưng cung cấp hàng”.
Tháng 3 và tháng 4 năm nay, nhóm hàng điện lạnh như máy lạnh, tủ lạnh, tủ đông, quạt các loại… số lượng tiêu thụ tăng đột biến do nắng nóng. Nhiều nhà bán lẻ cho rằng, sức tiêu thụ máy lạnh, quạt, tủ lạnh… sẽ được duy trì cho đến cuối tháng 6 khi những thị trường lớn như TP.HCM, Cần Thơ bước vào mùa mưa. Nhưng chỉ bước qua tháng 5, khi những đợt gió lạnh và mưa bất ngờ trải đều từ Bắc vào Nam, ông Ngô Quang Vinh, giám đốc tiếp thị của Ideas, rầu rầu: “Mưa gió kiểu này làm sao buôn bán được. Không có khách đến nói gì khách mua”. Nguồn tin từ vài hệ thống bán lẻ lớn, sức mua mặt hàng máy lạnh, tủ lạnh đã giảm dần từ tháng 5 với tỷ lệ khoảng 40% so với tháng 4, tháng 6 tiếp tục giảm 30% so với tháng 5.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Quốc (công ty xây dựng Nam Việt, Gò Vấp) cho biết, cách đây hai năm, vào các tháng 4, 5, 6, ông có thể bán “hộ” cho các nhà sản xuất khoảng 30 bộ máy lạnh, nhưng năm nay không bán được chiếc nào.
“Mấy năm trước, khi xây nhà, chủ nhà yêu cầu lắp luôn máy lạnh theo chỉ định của họ về công suất và nhãn hiệu, nhưng năm nay, họ chỉ yêu cầu chạy đường dây, khi nào có tiền hoặc máy lạnh giảm giá tốt nhất sẽ lắp ráp sau”, ông Quốc nói. Ông Tạo, chuyên lắp ráp và bảo trì máy lạnh ở Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho biết, khách hàng (hộ gia đình và cơ quan) yêu cầu bảo trì nhiều hơn mua mới, dù máy lạnh hiện nay chỉ bằng 2/3 mức giá cách đây vài năm.
Hàng điện lạnh còn có sự ủng hộ của thời tiết, nên doanh nghiệp có “gỡ gạt” chút đỉnh vào tháng 3, tháng 4. Tính chung nhóm hàng điện máy, từ đầu năm cho tới nay vẫn trong xu hướng tháng sau doanh số thấp hơn tháng trước với tỷ lệ khoảng 10%, theo tiết lộ của nhiều nhà bán lẻ. Ông Lưu Quốc Hoàng, giám đốc tiếp thị của hệ thống bán lẻ Dienmay.com xác nhận, doanh số tháng 6 của Dienmay.com giảm chừng 10% so với tháng 5.
“Mơ” dân mua nhà, học sinh đến trường
Nhiều nhà bán lẻ lớn đang nhắm đến gói giải ngân 30.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản. “Nếu giải ngân thành công, đó sẽ là giải pháp kích cầu cho ngành hàng điện máy”, ông Hoàng hy vọng. Ông Hoàng cho rằng, chỉ cần 5% vốn vay được người tiêu dùng dành cho nhóm hàng điện máy như tủ lạnh, máy lạnh cho ngôi nhà sẽ là “liều thuốc tăng lực” cho các nhà bán lẻ đang trong giai đoạn ế ẩm nhất của năm 2013.
Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh của điện máy Chợ Lớn cho biết, từ 1.8.2013, được các hãng sản xuất “bật đèn xanh”, Chợ Lớn sẽ có những gói sản phẩm, từ hàng điện tử, điện lạnh, nội thất… gồm nhiều mức giá khác nhau: thấp – trung bình – khá và cao cấp dành riêng cho những đối tượng chuẩn bị sở hữu những căn nhà mới.
Tuy nhiên, ông Phan Linh Phương, phó giám đốc tiếp thị của trung tâm mua sắm Nguyễn Kim cho rằng, vì đối tượng thụ hưởng của dự án trên quá hẹp nên khó tổ chức thành một chương trình khuyến mãi riêng biệt như lời đề nghị của một công ty bất động sản tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, nhiều hệ thống bán lẻ điện máy đang chờ đợi cơ hội chuẩn bị cho năm học mới với những mặt hàng chính như: máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy tính bảng… Tuy nhiên, tỷ trọng nhóm hàng này chỉ chiếm từ 20 – 30% trong tổng doanh thu, và tỷ lệ lợi nhuận dao động 10% trên doanh thu, khó cứu vãn nhiều chuỗi bán lẻ có quy mô nhỏ đang đối mặt với chuyện “đóng cửa”.
Theo Gia Vinh