Sau Tribeco, 2 thương hiệu nổi tiếng trong ngành thực phẩm bánh kẹo là Bibica và Kinh Đô cũng đang có nguy cơ hoàn toàn thuộc về đối tác ngoại.
Mặc dù vẫn là một trong những ngành hấp dẫn, lợi nhuận ổn định, nhưng các thương hiệu thực phẩm lớn trong nước, đặc biệt là mảng bánh kẹo, đồ uống vẫn liên tiếp bán đi mảng kinh doanh cốt lõi của mình, làm dấy lên nhiều sự hoài nghi.
Dấu hỏi lớn nhất được đặt ra lúc này dành cho Công ty cổ phần Kinh Đô (Mã CK: KDC) khi vừa công bố khoản đầu tư của Tập đoàn Mondelēz International với giao dịch được Mondelēz International đề xuất là 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô trong thời gian tới, tương đương với 7.846 tỷ đồng (370 triệu USD).
Không dừng lại ở 80%, Tim Cofer, Phó chủ tịch cấp cao của Mondelēz International cho biết thêm, 20% cổ phần còn lại sẽ được thương thảo để sở hữu tiếp, sớm nhất 12 tháng sau khi thương vụ đầu tư hoàn tất.
Mặc dù Kinh Đô cho biết chỉ bán mảng bánh kẹo, tuy nhiên, nguồn thu chính của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào "miếng bánh" này. Cho nên, việc bán gần hết cổ phần mảng cốt lõi cho đối tác ngoại chẳng khác nào đơn vị này đã "trao thân gửi phận” cho Mondelēz International toàn quyền quyết định.
Theo nhìn nhận của một giám đốc phân tích đầu tư chứng khoán, sau khi bán 80% mảng bánh kẹo, Kinh Đô chỉ còn lại 20% cổ phần trong BKD (Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương), 100% cổ phần Kido (kem và các sản phẩm từ sữa), nhưng đây cũng chỉ là một lát cắt nhỏ. Còn ngành kinh doanh mì ăn liền thì còn quá mới. Riêng về dầu ăn, Công ty chưa hề ghi dấu ấn trên thị trường mặc dù đang sở hữu trong tay trên 50% cổ phần Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex.
|
Kinh Đô bán 80% cổ phần cho đối tác ngoại. Ảnh: CT.
|
Lý giải một cách gián tiếp quyết định bán mảng bánh kẹo, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh Đô cho biết, dù đang dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo, nhưng họ nhận thấy nhóm này không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu. Vì vậy, Kinh Đô đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành thiết yếu mới. Gần đây nhất là nhóm cà phê, mì gói, dầu ăn và họ còn có dự định mua hơn 50% cổ phần của một công ty F&B chưa công bố tên.
Lý giải của ông Thành tương đối phù hợp với khảo sát của Business Monitor International (BMI), kể từ năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo Việt Nam liên tục đạt 10%. Năm 2013, doanh thu của ngành này trên 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành (bao gồm cả chocolate) cũng chỉ có thể đạt từ 8 đến 10%.
Không chỉ Kinh Đô đang dần chuyển giao cho doanh nghiệp nước ngoài, Bibica cũng đang ngấp nghé nguy cơ về hẳn tay Lotte.
Mặc dù “mối tình” này của Bibica diễn ra khá lình xình từ năm 2007, khi Lotte trở thành cổ đông lớn và tham gia hoạt động điều hành Bibica với tỷ lệ nắm giữ hơn 30%, rồi sau đó liên tục nâng lên. Theo báo cáo quản trị 2013 của Bibica, Lotte đang sở hữu 6.718 cổ phiếu (tỷ lệ 43,56%) của doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam.
Trong đại hội cổ đông của Bibica 2012, họ liên tục bị Lotte thúc ép và tạo mâu thuẫn. Sau những tranh cãi gay gắt, Bibica nhận ra ý đồ thâu tóm của Lotte thì sự việc đã đi quá tầm kiểm soát. Họ chỉ còn cách nhanh chóng tìm một đối tác trong nước là Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhằm giúp thoát kế hoạch thâu tóm của Lotte. Thế nhưng, mối quan hệ này cũng khó lâu bền khi 2 bên xảy ra nhiều mâu thuẫn. Tại đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm nay, SSI đã bất ngờ vắng mặt khiến đại hội phải hoãn.
Theo ông Mai Vũ Thảo, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Ocean đánh giá, nguy cơ Bibica về tay Lotte là khá cao. Bởi lẽ, SSI chỉ là đơn vị đầu tư tài chính đơn thuần, nếu đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng họ cũng chẳng dại gì bỏ lỡ.
Nằm gọn trong tay đối tác ngoại sớm hơn các đơn vị trên, Tribeco một hãng nước giải khát có tiếng của Việt Nam bây giờ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Uni-President (Đài Loan) khi được đối tác này mua lại toàn bộ cổ phần. Kể từ khi mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn chuyển sang cho Tribeco Bình Dương, công ty này cũng gần như chẳng còn mấy dấu ấn trên thị trường.
Ngoài những đơn vị trên, theo ông Thảo cũng sẽ vẫn còn nhiều đơn vị thực phẩm nội đang nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp nước ngoài. Bởi lẽ, xét về thị trường, đây là ngành cạnh tranh khá khắc nghiệt, nhưng đổi lại tỷ suất sinh lời tốt. Cho nên, việc các ông lớn đưa vốn vào thị trường Việt Nam cạnh tranh, thâu tóm, thậm chí đẩy doanh nghiệp Việt sa chân vào lỗ nặng để kiếm cơ hội phát triển thị trường ngày càng diễn ra mạnh hơn. Tuy nhiên, xét về khía cạnh bản thân doanh nghiệp Việt, do thiếu trình độ quản lý nâng cao, cũng như nguồn lực giúp đẩy tăng trưởng, nên họ nhận thấy nguy cơ có thể thua trong 3-5 năm nữa, dẫn đến quyết định bán vào thời điểm này là tốt nhất.
Cũng đồng quan điểm với ông Thảo, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đạt Chí đánh giá thêm, đây là một ngành mang tính phòng thủ, lợi nhuận ổn định. Dẫu vậy, thị trường này lại liên tục biến đổi, các công ty từng "vang bóng một thời" đã vơi dần sức hút nên kịch bản thâu tóm không còn quá xa lạ.
Thi Hà