Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện hiện nay dựa trên các yếu tố đầu vào, nhưng do cơ cấu nguồn điện của Việt Nam có nhiều đặc thù, nên giá dầu giảm mạnh không tác động nhiều đến việc điều chỉnh giá bán điện.
Tại họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 diễn ra chiều ngày 30/12, ông Tuấn cho biết, đề xuất tăng giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang được Bộ Công Thương xem xét, đánh giá nếu các chi phí đầu vào tăng từ 7 đến 10% thì EVN sẽ được điều chỉnh tăng, nếu chi phí giảm giá điện cũng sẽ giảm. “Việc điều chỉnh giá điện hoàn toàn không liên quan đến bù lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, khi tính giá thành điện trong năm 2015 sẽ tính toàn bộ chu kỳ giá nguyên liệu đầu vào từ thời điểm 1/8/2013 (thời điểm tăng giá điện gần nhất). Do đó, giá dầu giảm đương nhiên giá điện sẽ giảm theo. Song, do đặc điểm cơ cấu nguồn điện hiện nay, việc giảm giá dầu chỉ có lợi cho một số nhà máy chạy dầu hoặc nguyên liệu tính theo giá dầu thế giới. Còn các nhà máy thủy điện, đặc biệt với các nguồn điện chạy than, khí, bao tiêu giá nguyên liệu vẫn do Nhà nước quyết nên chắc chắn không có tác động nhiều đến việc điều chỉnh giá bán điện.
|
Phó tổng giám đốc EVN khẳng định từ nay đến Tết âm lịch sẽ không điều chỉnh giá điện. Ảnh minh họa
|
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2013 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN đạt gần 170.000 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.473,8 đồng một kWh, trong đó các chi phí: phát điện là 130.000 tỷ đồng, truyền tải là 9.200 tỷ đồng, riêng khâu phân phối bán lẻ là 29.000 tỷ đồng. Doanh thu bán điện năm 2013 là 172.903 tỷ đồng tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.499,82 đồng một kWh. Lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2013 là trên 4.938 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành tính đến cuối tháng 12/2013 là 8.811 tỷ đồng.
Về thời điểm tăng giá điện, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định: "Chắc chắn từ nay đến Tết âm lịch, EVN sẽ chưa điều chỉnh", ông Tri cho hay.
Lý giải thêm về ảnh hưởng của giá dầu giảm đến việc điều chỉnh giá bán điện, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, theo nguyên lý thì đầu vào giảm, đầu ra cũng giảm theo, tuy nhiên giá khí cấp trên bao tiêu tại một số nhà máy nhiệt điện phía Nam của EVN vẫn phải mua giá cao. Theo lộ trình, năm qua giá khí đã tăng trung bình 2%, và khả năng Chính phủ còn tiếp tục tăng giá, chưa tính đến giá than tăng 5% trước đó.
"Do vậy, hàng tháng EVN luôn tính toán mọi chi phí giá thành sản xuất điện để trình lên Bộ Công Thương xem xét đánh giá các chi phí hợp lý để từ đó Bộ cân nhắc các giải pháp giúp EVN, đồng thời đã kìm việc tăng giá bán điện trong suốt năm 2014", ông Tri cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tri, việc không được điều chỉnh tăng giá bán trong năm 2014 đã khiến EVN phải “cõng” thêm tổng cộng khoảng 15.000 tỷ đồng chi phí phát sinh. Trong đó, tiền mua than tăng thêm 2.271 tỷ đồng, giá khí trên bao tiêu tăng hơn 1.400 tỷ đồng, tỷ giá ổn định nhưng mức chênh lệch vẫn là 128 tỷ đồng, chưa kể các chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn, thuế tài nguyên… cũng tăng.
Song, đại diện EVN cũng thừa nhận, các khoản lỗ công bố cuối năm 2013 (khoảng 12.000 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ đồng) đã được bù lỗ hết. Hiện chỉ còn khoản chênh lệch tỷ giá hơn 8.811 tỷ đồng đang đợi hạch toán. Lãnh đạo EVN cho biết do chưa được phép tăng giá để bù đắp, nên tập đoàn đang kiến nghị Chính phủ lùi thời gian hạch toán phần lỗ từ khoản chênh lệch tỷ giá này sau năm 2015, đồng thời được "khất" khoản nợ mua khí từ PetroVietnam chậm hơn so với thời gian quy định.
Về ý kiến mua điện từ Trung Quốc, EVN cho biết, từ 2012 Việt Nam đã giảm dần lượng điện nhập khẩu từ nước này. Nếu như năm 2014 EVN mua khoảng hơn 22 tỷ kWh điện thì dự kiến năm 2015 chỉ mua khoảng 1,8 tỷ kWh điện.
Tuy nhiên, ông Tri cho biết, việc mua điện từ các quốc gia biên giới là việc rất bình thường của các doanh nghiệp điện trên thế giới. Bởi, đây là nguồn công suất dự phòng hữu ích trong trường hợp sự cố hoặc nguồn thủy điện không đảm bảo. "Việc xây dựng các nhà máy nguồn điện mất rất nhiều thời gian, nên khi kết nối lưới điện biên giới thậm chí còn sử dụng công suất dư thừa của láng giềng và giảm được sức ép đầu tư", lãnh đạo EVN cho hay.
Thành Tâm