Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng do chưa đủ căn cứ để phê duyệt quy hoạch cây mắc ca, nên chỉ định hướng trồng 10.000 ha tới năm 2020 tại những vùng đã khảo nghiệm thành công.
Tại nội dung báo cáo 2748 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4, cây mắc ca được trồng thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 1994 và các khảo nghiệm giống cây mắc ca đã được triển khai tại 16 tỉnh; đến nay đã xây đựng được 20 mô hình khảo nghiệm giống, với tổng diện tích là 35 ha, trong đó, có 30 ha đã ra quả.
Theo kết quả nghiên cứu khảo nghiệm ban đầu, mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển ở các vùng khảo nghiệm nhưng với tỷ lệ đậu quả và sản lượng khác nhau. Với những cây trồng 10 năm tuổi, một số vùng cho sản lượng cao nhất từ 17,5 đến 21,5 kg mỗi cây (tương đương 3,9 đến 4,7 một ha mỗi năm); thấp nhất là từ 1,9 đến 2,5 tấn một ha; một số nơi không đậu quả. Trên cơ sở đó, Bộ đã công nhận được 10 giống mắc ca.
|
Bộ NN&PTNT định hướng chỉ trồng 10.000 ha mắc ca tới năm 2020.
|
Song song đó, Bộ cũng đã thực hiện nhiều dự án như: “Trồng sản xuất thử nghiệm một số giống mắc ca mới tại Tây Nguyên, Tây Bắc” năm 2011 trên diện tích khoảng 40ha; “Trồng thâm canh cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên” năm 2012 với khoảng gần 480ha. Riêng các tổ chức, cá nhân tại các địa phương trên cả nước đã trồng được gần 2.000ha tại Tây Bắc và Tây Nguyên.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, mắc ca là cây mới, trong quá trình khảo nghiệm cho các kết quả khác nhau, đồng thời, vẫn chưa có một báo cáo phân tích kỹ các vấn đề về chế biến và thị trường. Do đó Bộ chưa đủ căn cứ để đưa ra quy hoạch cây mắc ca, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến... Trong năm 2015, Bộ sẽ nghiên cứu và ban hành những văn bản trên.
Để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trước mắt Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trồng ở những nơi khảo nghiệm thành công, không triển khai trồng trên quy mô lớn tại những nơi chưa được trồng khảo nghiệm hiệu quả. Đồng thời, cần tổ chức đánh giá khảo nghiệm tại các địa phương, xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng vùng khí hậu đối với mắc ca.
Theo đó, tổng diện tích định hướng tới năm 2020 là 10.000ha bao gồm cả trồng tập trung và xen canh thay vì đề xuất 200.000ha như tham vọng của các nhà khoa học và doanh nghiệp trước đó.
Quyết định này của Bộ NN&PTNT được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về việc phát triển ồ ạt “cây tỷ đô” sẽ dẫn tới thất bại như những cây trồng trước đó. Một số chuyên gia cũng cho rằng, trước mắt, chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao như Đăk Lăk, Sơn La; ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè.
Lê Minh