Một doanh nghiệp lạ tự ý đưa tên chị Thoa vào bảng lương khiến chị bỗng dưng phải nhận thông báo truy thu 2,7 triệu đồng thuế thu nhập.
Cách đây ít ngày, chị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được thông báo của Cục Thuế về việc truy thu thuế thu nhập cá nhân năm 2012. Theo thông báo, năm 2012, chị Thoa có thu nhập phát sinh tại một công ty với tổng số tiền là 54 triệu đồng và số tiền bị truy thu tương ứng là 2,7 triệu. Tuy nhiên, chị lại không hề biết tên đó là doanh nghiệp nào.
"Thông báo cũng nêu rõ mình phải chịu thêm tiền phạt gần 200.000 đồng vì lẽ ra khoản truy thu này phải nộp từ hồi tháng 4/2013. Tính đến nay là bị chậm mấy tháng so với quy định", chị Thoa cho hay.
|
Chị Thoa bị doanh nghiệp lạ đưa tên vào bảng lương. Ảnh: Anh Quân
|
Từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2008 đến nay, chị Thoa từng nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng mới làm việc tại một công ty và chưa từng chuyển công tác. Chị cũng không làm thêm ngoài nên chẳng thể có khoản thu nhập phát sinh ở bất kỳ đơn vị nào.
"Mình chưa từng biết tên công ty đó. Từ trước đến nay mình cũng chưa bao giờ nhận được đồng nào doanh nghiệp này". chị Thoa cho hay.
Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VIFAM Việt Nam (đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ về thuế, kế toán) cho biết trường hợp xảy ra khi doanh nghiệp làm khống bảng lương để đẩy chi phí lên, nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Đến cuối kỳ, chủ doanh nghiệp hạch toán tài chính thấy công ty lãi, đương nhiên sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Để né hoặc giảm khoản thuế này, họ tăng số nhân viên từ 10 người lên 15 hoặc 20 người nhằm nâng chi phí, giảm lãi hoặc thậm chí biến hóa con số lợi nhuận thành âm", ông Tiền cho hay.
Theo ông Tiền, để hợp pháp hóa số nhân viên này công ty có thể tận dụng một số hồ sơ xin việc, tự tạo hợp đồng lao động rồi tự ký vào bảng lương. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên cục thuế thì họ không khó tìm ra chị Thoa để truy thu khoản thuế đối với thu nhập phát sinh tại công ty này. Chuyên gia này cũng cho biết, hiện với những khản thu nhập vãng lai như trên nếu có thật, cá nhân có mã số thuế phải đóng theo tỷ lệ 10%, chưa có mã số thuế là 20%.
Anh Quang Tuyến (Ba Đình) cũng bị một công ty trong TP HCM sử dụng thông tin cá nhân và mã số thuế để khai vào bảng lương. Trong khi, trên thực tế, anh chưa từng làm việc cho họ và không có thu nhập phát sinh từ đơn vị này.
"Khi mình đi quyết toán thuế thì mới phát hiện ra. Cơ quan thuế yêu cầu mình phải xin giấy chứng nhận là không có khoản thu nhập đó thì mới giải quyết. Tuy nhiên, mình không hề làm việc với doanh nghiệp này, họ lại ở tận TP HCM nên không thể đến đó mà làm rõ ràng mọi chuyện và xin xác nhận được. Do đó, mình không thể quyết toán để lấy tiền hoàn thuế", anh Tuyến cho hay.
Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, thực tế có không ít trường hợp cá nhân khi quyết toán thuế mới phát hiện ra tên mình bị sử dụng trong bảng lương của một doanh nghiệp lạ. Ông cũng cho biết, mục đích của việc làm này chính là để trốn thuế hoặc giảm số thuế thu nhập phải nộp.
Ông Tiền cũng cho biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang dùng cách này để trốn thuế. "Đặc biệt là những công ty trong ngành xây dựng, chủ yếu sử dụng lao động thời vụ. Việc giả mạo hồ sơ không khó, chủ yếu là sử dụng tên của người lao động, còn bảng lương và chữ ký họ 'tự biên tự diễn' hết", ông Tiền cho hay.
Về cách xử lý đối với tình huống này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết các cá nhân nên đến làm việc với cục thuế và thậm chí có thể kiện doanh nghiệp ấy ra tòa vì sử dụng hồ sơ của họ để gian lận chứng từ.
"Còn về lý, xét ở góc độ nghiệp vụ thì cơ quan thuế phải gửi thông báo đến cá nhân bị truy thu là đúng với quy trình. Cá nhân nào 'oan' phải lên tiếng thì cơ quan thuế mới có cớ để xử lý các doanh nghiệp sai phạm", vị này cho hay.
Ngọc Tuyên
Theo: www.vnexpress.net