Cập nhật lúc:
4/29/2016 9:08:58 AM
Hàng nghìn hộ nuôi cá bổi ở các huyện ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang rất lo lắng vì thiếu nguồn nước ngọt phục vụ cho việc xuống giống thả nuôi vụ mới.
Chạy dọc theo các xã Khánh Bình, Khánh Bình Tây Bắc… của huyện Trần Văn Thời những ngày này, nhiều hộ dân chuyên nuôi cá sặc rằn (thường gọi là cá bổi) nơi đây đang rất lo lắng. Ông Nguyễn Hoàng Nhiệm ở ấp 1/5, xã Khánh Bình than: “Thời tiết khô hạn như hiện nay khiến cho những hộ đã xuống giống thả nuôi khóc ròng vì cá chậm lớn do nước nhiễm mặn. Còn những hộ chưa xuống giống thì đứng ngồi không yên vì đã trễ lịch thời vụ cho vụ nuôi năm nay”.
Gia đình ông Nhiệm có 2 ao nuôi cá bổi, diện tích hơn 1.000 m2. Ở vụ nuôi năm trước giá cá bổi tăng, người nuôi có lãi cao, ông Nhiệm không ngần ngại đầu tư vài chục triệu đồng thuê máy xúc đào thêm một ao nuôi mới, nhưng hiện tại các ao nuôi đều trơ đáy vì thiếu nước.
“Như các năm trước, vào thời điểm này nông dân đã xuống giống nuôi được hơn 2 tháng, còn năm nay những hộ không trữ được nguồn nước ngọt đành phải treo đầm”, ông Nhiệm nói thêm.
Nông dân ở ấp Cơi Năm, xã Trần Hợi phải thu hoạch cá bổi dù chưa tới đợt do nguồn nước bị nhiễm mặn khiến cá chết. Ảnh: Phúc Hưng.
Tương tự gia đình ông Nhiệm, vợ chồng anh Giang Hoàng Đảo cũng đang tốn thêm một khoản tiền để xử lý ao nuôi, chờ mưa. Theo anh Đảo, nắng nóng khiến cho ao nuôi cạn nước, đất bị xì phèn. Để đảm bảo ao nuôi tốt, nông dân phải tốn thêm vài triệu đồng tiền mua vôi để khử phèn trước khi thả giống. “Chưa biết giá cá bổi thương phẩm thời gian tới như thế nào, nhưng trước mắt đã thấy người nuôi tốn thêm chi phí cho việc sản xuất”, anh Đảo ngán ngẩm nói.
Trong khi những hộ nóng lòng chờ nước, thì nhiều hộ dân đã thả nuôi được 3-4 tháng cũng đang lo lắng vì không có nguồn nước để thay đổi trong ao nuôi. Ông Tạ Minh Đương ở khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời có hai ao nuôi phải bóp bụng bỏ thêm tiền mua phân thuốc xử lý nguồn nước trong ao đang bị ô nhiễm.
“Cá bổi của tôi có độ tuổi gần 3 tháng, thông thường cá nuôi ở giai đoạn này nước trong ao phải được thay đổi thường xuyên, nhưng hiện tất cả kênh rạch đã khô cạn, nông dân không có nguồn nước thay thế khiến ao nuôi bị ô nhiễm, cá chậm lớn hay bị chết rải rác. Nếu nắng nóng kéo dài thêm trong thời gian tới thì chắc chắn cá sẽ bị hao hụt lớn, người nuôi thua lỗ”, ông Đương khẳng định.
Các kênh rạch ở Cà Mau vẫn đang cạn kiệt nước.
Nắng hạn không chỉ làm ảnh hưởng đến người nuôi, mà ngay cả những hộ kinh doanh cá bổi giống cũng lo âu không kém. Ông Lý Ngọc Tạc ở thị trấn Trần Văn Thời cho biết, gia đình ông và nhiều hộ dân khác sống được bằng nghề ép cá giống bán lại cho các hộ nuôi, nhưng năm nay đến thời điểm này vẫn chưa có đơn đặt hàng. “Khô hạn hết rồi, nông dân có ai nuôi đâu mà mình bán cá giống. Các năm trước mùa này, cơ sở của tôi đã bán được vài trăm ngàn con giống, còn năm nay chưa bán được con nào”, ông Tạc nói.
Ông Trần Văn Lơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời cho hay, khóm 2 có hơn 30 hộ dân nuôi cá bổi, ngoài những hộ đang treo đầm vì thiếu nước, thì những hộ đã thả nuôi đang gồng mình bỏ thêm tiền mua thức ăn, phân thuốc vì cá chậm lớn do nguồn nước nhiễm mặn.
Theo bà con nông dân, nếu như nguồn nước đảm bảo thì cá nuôi từ 6 đến 8 tháng có thể thu hoạch, sau khi trừ đi chi phí, người nuôi còn lại từ 30 đến 45 triệu đồng một ao nuôi.
Cá bổi sau khi thu hoạch được các thương lái ở Cà Mau thu mua với giá từ 45.000 đến 60.000 đồng một kg, sau đó chế biến thành khô bán ra với giá từ 250.000 đến 400.000 đồng một kg (tùy loại), rất được thị trường ưa chuộng.
Phúc Hưng
Theo: www.vnexpress.net