Giới chức Đài Loan ra lệnh kiểm tra tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng hộp và kinh doanh ăn uống của lãnh thổ này, sau khi phát hiện gần 1.000 doanh ngiệp bán dầu ăn bẩn hoặc các sản phẩm được chế biến từ dầu bẩn chứ không phải 235 doanh nghiệp như công bố cách đây vài ngày.
Các nhà điều tra Đài Loan hôm 8-9 cho biết họ đang điều tra thêm một công ty ở Đài Bắc, công ty này cũng mua dầu từ tập đoàn Chang Guann và bán lại cho các doanh nghiệp ở Hồng Kong, Trung Quốc và Macau.
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Đài Loan tuyên bố bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào bị phát hiện đang bán “dầu bẩn” hay các sản phẩm liên quan sẽ bị phạt nóng đến 1,6 triệu USD.
Đài Loan đang có khoảng 100.000 nhà sản xuất thực phẩm và đồ hộp. Để kiểm tra hết số doanh nghiệp này thì nhà chức trách Đài Loan phải tiến hành trong thời gian 30 tháng.
Nhiều nhà sản xuất thực phẩm nổi tiếng của Đài Loan đã mua dầu từ Chang Guann để chế biến thực phẩm và sản phẩm của họ được phân phối đến hàng ngàn cửa hàng tiện ích và các siêu thị trên lãnh thổ này.
Thời báo Đài Bắc cho biết Quách Liệt Thành, chủ của nhà máy sản xuất “dầu bẩn” ở huyện Bình Đông (thành phố Cao Hùng) đã thu mua dầu thừa và rác thải nhà bếp từ các nhà hàng trong khu vực để chế biến thành dầu nguyên liệu bán cho tập đòan Chang Guann, nhà cung cấp dầu ăn hàng đầu cho ngành thực phẩm ở Đài Loan.
Chang Guaan đem số dầu bẩn này trộn với mỡ heo và cho ra 782 tấn dầu ăn để bán ra thị trường. Quách Liệt Thành hiện vẫn đang bị cảnh sát Cao Hùng giam giữ. Chỉ riêng ở Đài Loan, ước tính có khoảng 408 tấn dầu bẩn đã được người tiêu dùng tiêu thụ.
Giới chuyên gia cho rằng bất kỳ sản phẩm nào không phù hợp cho sức khỏe con người thì không nên cho phép được bán vào thị trường.
Hồng Kong và Macau cũng đang rúng động vì bê bối dầu bẩn này bởi từ hôm qua nhà chức trách hai đặc khu này phát hiện 5 nhà nhập khẩu và 21 doanh nghiệp khác ở Macau và Hồng Kong đã mua dầu từ tập đoàn Chang Guann của Đài Loan.
Báo South China Morning Post cho biết bốn nhà nhập khẩu của Hồng Kong là Dah Chong Hong, Synergy Foods, Angliss Hong Kong Food Service và Urban Food.
“Chúng tôi đã lấy 46 mẩu sản phẩm, bao gồm 22 mẩu thực phẩm là bánh trung thu, bánh mì, bánh ngọt và đồ hộp cùng 24 mẩu dầu để đi kiểm nghiệm” – tiến sĩ Hà Ngọc Hiền, nhà cố vấn của trung tân an toàn thực phẩm Hồng Kong cho biết.
Tiến sĩ Hà cho biết trong đó lớn nhất là vụ tập đoàn Urban Food đã bán khoảng 390 thùng “dầu bẩn” nhập từ Chang Guann cho nhà sản xuất bánh ngọt Maxim ở Hồng Kong.
Maxim dùng hơn 230 thùng dầu này để sản xuất bánh trung thu và bánh ngọt bán thị trường. Số dầu còn lại đã bị nhà chức trách Hồng Kong tịch thu. Maxim cũng đang cho thu hồi sản phẩm trên thị trường.
* Tại Trung Quốc, Tổng cục kiểm định chất lượng sản phẩm của nước này đang ngưng xem xét hồ sơ xin nhập khẩu hàng hóa thực phẩm từ Đài Loan.
Cơ quan này ra lệnh rà soát toàn bộ những lô hàng thực phẩm và dầu ăn có liên quan đến các doanh nghiệp Đài Loan dính vào vụ bê bối trên, đã nhập vào Trung Quốc.
Theo: www.cafef.vn