Ở khu vực cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang), dân có máu liều thì trang bị xe gắn máy phân khối lớn, đôn dên xoáy nòng để chở rượu và thuốc ngoại nhập lậu. Dân nghèo thì trang bị chiếc xe đạp tàng, chỉ chịu khó bỏ sức ra đạp, mỗi người có thể vận chuyển trót lọt qua cửa khẩu vài tấn gạo thơm Thái Lan/ngày.
Theo quy định, cư dân sống 2 bên biên giới có thể mua bán, trao đổi hàng hóa không cần phải đăng ký kinh doanh với hải quan nếu giá trị hàng hóa không vượt quá 2 triệu đồng/người/ngày. Lợi dụng kẽ hở là các cơ quan chức năng Việt Nam không kiểm tra, hàng trăm cư dân biên giới đã trở thành "cửu vạn", đai gạo lậu sang Việt Nam tiếp tay cho các ông trùm buôn gạo.
Ông Thạnh Chanel (xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên) kể, trước đây ông sống bằng nghề chạy xe ôm. Tuy nhiên nghề này bấp bênh, ngày nào may mắn cũng chỉ kiếm được trăm ngàn đồng. Nghe mấy thanh niên trong xóm rủ đi đai gạo, ông gật đầu đồng ý.
Cứ đi một lần 2 bao gạo, chủ hàng trả công 15.000 đồng. Mỗi ngày làm chừng 10 - 15 chuyến, thu nhập gấp đôi chạy xe ôm. "Gạo Thái chừng 20.000- 23.000 đồng/kg. Mình chở 2 bao là 100kg, giá trị hơn 2 triệu đồng xíu nên cán bộ không nói gì cả" - ông Chanel nói.
Một phụ nữ đai gạo cho biết, các chị đi thành từng tốp 5 - 10 người, sau khi lấy gạo bên Campuchia thì đạp thẳng về Việt Nam.
Qua cửa khẩu chừng vài trăm mét, cửu vạn sẽ chở thẳng gạo vào kho chứa, được chấm công và nhận tiền công vào cuối ngày. Hai bên cửa khẩu, có hàng chục phụ nữ chuyên đai gạo như chị. Ngồi uống nước ở quán đối diện Đồn Biên phòng cửa khẩu Xà Xía trong chừng 1 tiếng, chúng tôi đếm được khoảng 100 lượt xe đạp chở gạo Thái và các hàng hóa khác qua cửa khẩu mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Gạo Thái nhiều hơn gạo Việt
Ông Phan Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, trong năm 2012, chúng tôi chỉ phát hiện vài vụ buôn lậu gạo nhỏ lẻ, số lượng không đáng kể. Theo quy định, các điểm bán gạo ngoại nhập phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Tuy nhiên, đối với mặt hàng gạo, nếu đã khui bao và chuyển sang hàng xáo thì rất khó kiểm tra, đối chiếu chứng từ.
Anh Trần Văn Minh - nhà ở phường Pháo Đài (thị xã Hà Tiên) cho biết, người tiêu dùng ở Hà Tiên chuộng gạo Thái không chỉ vì nấu dẻo cơm, thơm ngon mà còn ở lý do gạo không xài thuốc, phân vô cơ, là gạo an toàn. Thậm chí, trên chuyến phà từ Hà Tiên ra quần đảo Hải Tặc, phóng viên cũng thấy toàn gạo Thái đóng bao 50kg. Một người dân ở xã Tiên Hải (thuộc quần đảo Hải Tặc) cho biết, cư dân trên đảo ăn gạo Thái nhiều hơn gạo Việt!
Tại chợ trung tâm cửa khẩu Long Bình (An Phú, An Giang), gạo Thái được bày bán cũng nhiều hơn gạo Việt. Ở đây có gần chục điểm bán gạo lẻ, mỗi điểm có cả trăm bao gạo Thái. Một chủ vựa cho biết, bên kia cửa khẩu có mấy kho hàng Thái rất lớn, nhiều nhất là gạo và đường. Mỗi ngày, các ghe chở gạo loại 70 - 100 tấn chở gạo đậu bên kia sông, các đầu nậu gạo sẽ đưa vỏ lãi sang nhập hàng rồi chở qua kho phía bờ Việt Nam.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay mặt hàng gạo Thái nhập vào Việt Nam vẫn chưa phải là mặt hàng gây bức xúc dư luận do việc nhập lậu không quá lớn như đường, thuốc lá..., nên việc kiểm soát chưa được chặt chẽ. Tuy nhiên, về lâu dài tình trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo trong nước cũng như làm thất thoát nhiều tỷ đồng thuế của Nhà nước.
Theo Hữu Danh
Dân việt