So với Indonesia, cà phê Việt bán với giá thấp hơn nhiều do hạt nhỏ, chất lượng chưa cao và diện tích cây già cỗi ngày càng tăng.
Giá cà phê trong nước và thế giới xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm do từ tháng 3 năm nay các nhà đầu cơ đưa ra dự báo sản lượng cà phê thế giới có xu hướng cung vượt quá cầu nên đã dần bán ra trên hai sàn ICE New York và Liffe NYSE London.
Lượng cà phê Robusta được bán ra từ thời điểm đó đến nay khoảng 40.000 lô (1 lô tương đương 10 tấn). Do đó, hôm 25/11 lượng tồn kho trên sàn Liffe đã giảm 5,9%, chỉ còn 45.900 tấn so với con số 48.770 tấn của 2 tuần trước và giảm 57% trong năm nay. Khả năng con số này còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2013-2014 có thể sẽ giảm 2 triệu bao so với mức 145,2 triệu bao của niên vụ trước do sản lượng Brazil, Việt Nam, Indonesia và các nước Trung Mỹ đều giảm. Sản lượng cà phê của Brazil giảm theo chu kỳ 2 năm 1 lần, cụ thể ước giảm 6,5% so với niên vụ trước, chỉ còn 47 triệu bao. Các nước Trung Mỹ đang chịu thiệt hại do bênh gỉ sắt gây ra, ước giảm 9,7% xuống còn 1,2 triệu bao.
Việt Nam là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới cũng đang ở trong tình trạng khó khăn và sản lượng có thể giảm 15% so với niên vụ trước do hạn hán hạt nhỏ chứ không thể tăng lên như dự báo. Thực tế cho thấy thời tiết thay đổi thất thường, không theo chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê.
Thêm vào đó, các tỉnh Tây Nguyên hiện còn rất nhiều diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh nên năng suất chỉ đạt dưới 2 tấn một ha và một số diện tích khác đang trong kỳ tái canh. Hơn nữa, lượng tiêu thụ cà phê lại có khả năng tăng từ 142 triệu bao trong năm ngoái lên 146 triệu bao trong năm nay. Như vậy, khả năng cung vượt cầu khó có thể xảy ra.
Mặc dù giá cà phê xuống mức thấp nhưng do nguồn cung hạn chế nên cà phê có chất lượng cao vẫn được giao dịch ở mức cộng rất cao so với giá trên sàn London, điển hình như loại Lampung G4 của Indonesia được chào với mức cộng 300 USD một tấn. Tuy chưa thể bằng mức cộng kỷ lục cộng 500 USD một tấn của năm 2011 nhưng cũng là mức rất cao so với những niên vụ trước đó và xu hướng cà phê vẫn được bán ở mức cộng chứ không theo mức trừ lùi nữa.
So với cà phê Indonesia, cà phê Việt Nam vẫn chỉ được bán ở mức cộng 60-80 USD một tấn, thậm chí có lúc chỉ còn 20-40 USD một tấn. Do đó cà phê Việt Nam rất cần được chú trọng đến khâu thu hái chế biến để có được những hạt cà phê chất lượng tốt nhất, bán giá cộng.
Theo Vicofa