Qua chuyến đi, Stuart Lumb đã đưa ra những nhận xét khá khách quan về loài cá này.
Nhắc đến nuôi trồng thủy sản có nghĩa là nhắc đến ĐBSCL. Nếu bạn muốn hiểu được ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam thì bạn phải đến ĐBSCL. Hệ thống đồng bằng phức tạp này nằm trong một khu vực tam giác về phía Tây của TPHCM, với nhiều làng xã, được gắn kết với nhau bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt hơn là những con đường bộ.
Sông Mê Kông là con sông lớn thứ 12 trên thế giới và cũng là con sông dài nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài ước tính khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam.
Một số con đập lớn đã và đang được xây dựng dọc trên sông Mê Kông để tạo ra thủy điện. Việc xây đập trên dòng Mê Kông hùng vĩ này có thể sẽ làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và thậm chí ảnh hưởng đến việc nuôi trồng và sản xuất thủy sản ở khu vực châu thổ.
Hướng dẫn và phiên dịch của tôi là một bác sĩ thú y Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vũ và cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi là tại một nhà máy sản xuất thức ăn thuộc sở hữu của Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vinalivesco).
Vinalivesco là một doanh nghiệp nhà nước, không phải là một công ty liên doanh như nhiều công ty ở Việt Nam. Nhà máy sản xuất thức ăn của Vinalivesco sản xuất 50.000 tấn thức ăn thủy sản mỗi năm, chỉ đáp ứng được một phần cho thức ăn nuôi trồng thủy sản của khu vực ĐBSCL.
Việt Nam tự hào về chất lượng cá tra so với các nước nuôi trồng thủy sản lớn khác trên thế giới. Cá tra Việt Nam có thể chế biến được hơn 50 món ăn khác nhau, rất linh hoạt cho bữa ăn gia đình.
Sản xuất cá tra ở Việt Nam không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ hay trợ cấp nào từ phía Chính phủ như các nhà sản xuất Trung Quốc.
Xuất khẩu cá tra năm 2011 tăng cao hơn vo với năm trước. Mặc dù, cá tra Việt Nam vướng vào một số vấn đề về kiện tụng thuế chống bán phá giá với thị trường Mỹ, nhưng khối lượng nhập khẩu loài này vào thị trường Nam Mỹ và EU ngày càng gia tăng.
Thức ăn nuôi cá tra chiếm từ 80 - 90% tổng chi phí sản xuất. Cá giống được cho ăn với hàm lượng protein thô khoảng 36%, khi cá càng lớn thì hàm lượng này càng giảm và hàm lượng này chỉ còn 26% trước khi thu hoạch, với sự thay đổi cung cấp toàn phần đáng kể 1,5:1. Bột cá sử dụng trong thức ăn khá đắt đỏ nên khoảng 50% protein được trộn từ đậu nành và cám gạo.
Bên cạnh đó, trong thức ăn nuôi cá cũng được sử dụng thêm nhiều thành phần axit amin tổng hợp. Một yêu cầu quan trọng đối với cá tra xuất khẩu là trong thành phần thức ăn của cá tuyệt đối không được phép có các chất kích thích tăng trưởng, thậm chí cả các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên cũng bị cấm triệt để. Trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, người nuôi thương dùng thuốc diệt khuẩn để xử lý ao.
Trang trại đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm cho biết, cứ 6 tháng họ thu hoạch 1 lần. Trang trại này có các ao nhỏ chạy song song với nhau. Mỗi ao có bảng nhỏ hiển thị số ao và ngày thả giống. Người nuôi kiểm tra cá thường xuyên theo ngày tháng để theo dõi chế độ ăn và quyết định thay đổi khẩu phần ăn cho cá khi cần thiết.
Để đảm bảo nguồn oxy cho cá, một kênh nhỏ dẫn nước chảy vuông góc với các ao. Kênh này ở vị trí cao hơn các ao để nước có thể chảy xuống do trọng lực. Ở phía đối diện của mỗi ao là một đường ống nhỏ thoát nước, được bố trí để giữ cho mực nước trong ao luôn cân bằng. Cho cá ăn được thực hiện hoàn toàn thủ công và cần nhiều sức lao động, bởi mỗi bao thức ăn nặng khoảng 40 kg, gấp đôi trọng lượng tối đa cho phép của các bao tải ở nước Anh.
Các bao thức ăn được đặt trên một bè gỗ hình chữ nhật, phía trên có một sợi dây thừng vắt ngang ao. Trong thời gian cho ăn, người nông dân chỉ cần di chuyển bè đến vị trí mà họ muốn, sau đó đổ thức ăn xuống nước. Tất cả rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Sau đó chúng tôi đi thăm trang trại thứ hai. Chúng tôi rời khỏi TPHCM trong một cơn mưa nhiệt đới tầm tã, lái xe với tốc độ cao trên đường cao tốc mới. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, con đường thu hẹp dần với 4 km cuối cùng là đoạn đường bê tông, dẫn đến một ngõ cụt cách mép của một nhánh phụ sông Mê Kông khoảng 400 m.
Đứng ở đây, tôi nhìn ra xa và thấy bên kia bờ là một nhà nhỏ và một cửa hàng thức ăn chăn nuôi. Xa hơn là những ao cá. Neo bên bờ sông là một chiếc xuồng nhỏ. Người lái xuồng cười vui vẻ ra hiệu cho tôi bước xuống. Với đủ thứ như balô máy ảnh, sổ ghi chép, tôi đã rất sợ chiếc xuồng sẽ lật úp xuống nhưng thật đáng ngạc nhiên, tôi đã sang bờ bên kia an toàn, mà vẫn hoàn toàn khô ráo.
Ao nuôi cá tra ở đây có diện tích khoảng 6.000 m2 và không có đường dẫn nước vào như trang trại đầu tiên, do đó, có một động cơ diesel ồn ào liên tục chạy, khuấy nước để đưa không khí vào ao. Ao sắp đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình của cá đạt khoảng 1,2 kg/con, tổng sản lượng khoảng 600 tấn. Cũng giống như ở các trang trại nuôi khác, việc cho cá ăn tiêu tốn nhiều sức lao động.
Công việc cho ăn được thực hiện đều đặn 2 lần/ngày trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm khá cao. Tất cả các bao thức ăn được vận chuyển đến trang trại cá bằng những chiếc xuồng lớn, sau đó cất giữ trong kho. Cuối cùng đến khi cho ăn mới được bê lại ra ao.
Nhiên liệu cho các loại thiết bị máy móc cũng được vận chuyển thủ công và tôi nghi ngờ nhiều rằng, khi người tiêu dùng Mỹ và EU ăn những miếng cá tra nướng, họ có thấu hiểu được công sức và sự vất vả của những người nông dân Việt Nam đã cần cù chịu khó để chăm sóc, nuôi nấng và cung cấp món cá tra cho bữa ăn của họ.
Theo Sao Mai
TBKTSG