Cả xã hội chung tay bán dưa, hành
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 45
Hôm qua: 3938
Tổng số: 8846586
 

 
 

Cập nhật lúc: 5/12/2015 8:10:06 AM
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - Trương Thị Mai cho rằng Chính phủ cần có đánh giá, xử lý đầu ra cho nông sản, thay vì để xã hội phải dùng đến giải pháp "tấm lòng" như hiện nay.

Xuất khẩu nông sản trở thành vấn đề nóng được tập trung thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. Đại diện Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh nhìn nhận: “Không chỉ là dưa hấu như báo chí đưa tin, nhiều mặt hàng khác cũng đang rất khó khăn”.

tan-thanh-6546-1431316197.jpg

Hàng nghìn xe tải chở thanh long, dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh đầu tháng 4, khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, giảm số lượng thông quan mỗi ngày. Ảnh: Quý Đoàn

Sau những lần ách tắc gạo tại cửa khẩu gần đây, Chính phủ đã 2 lần họp để bàn về tiêu thụ, đề nghị phía Trung Quốc hợp tác thông thương... Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết xuất khẩu mặt hàng từng được coi là chủ lực này qua đường bộ vẫn không mấy khả quan.

“Phía Trung Quốc cho biết gạo của họ cũng tồn kho rất nhiều. Thương nhân nào muốn có quota nhập 1.000 tấn gạo thì cũng phải cam kết tiêu thụ số lượng tương ứng”, Bộ trưởng nói.

Ông Vinh cho biết thêm, gạo của Việt Nam đang bị các nước như Ấn Độ, Pakistan cạnh tranh gay gắt. Một số thị trường vẫn nhập nhưng với số lượng hạn chế và vì gạo Việt Nam có giá thấp chứ không bởi chất lượng tốt.

“Nhiều nước cũng đang tái cơ cấu nông nghiệp nhưng họ đi những bước nhanh và vững chắc hơn chúng ta nên nông sản của Việt Nam kém cạnh tranh. Đây tiếp tục là thách thức lớn cho nền kinh tế nửa cuối năm 2015”, Bộ trưởng cảnh báo.

Phiên họp khai mạc sáng nay là đợt làm việc cuối cùng của Ủy ban Thường vụ, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, bắt đầu từ cuối tháng. Ủy ban cho ý kiến để Chính phủ hoàn thiện báo cáo tổng thể về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm.

Tham gia phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - Trương Thị Mai cho rằng Chính phủ nên báo cáo bổ sung về tình hình đời sống nông dân, vốn đang rất khó khăn khi nông sản thu hoạch ra không thể bán được. “Nhiều nông sản không đi vào thị trường, giá thấp, xã hội phải chung tay bán dưa, hành. Nhưng đó mới là giải pháp tấm lòng, Chính phủ nên phân tích và có giải pháp mạnh hơn”, bà Mai nói.

dua-hau-s-1963-1431320076.jpg

Thanh Niên Quảng Ngãi tình nguyện bán dưa và kêu gọi cộng đồng ủng hộ, khi giá dưa có thời điểm rớt xuống còn 500 đồng một kg, nông dân bỏ mặc cho bò ăn. Ảnh: Trí Tín

Lãnh đạo các ủy ban khác của Quốc hội cũng lo lắng tình trạng nông sản bí đầu ra, xuất khẩu không nổi, phải trông chờ vào sự hảo tâm của người tiêu dùng trong nước.

“Chúng tôi cũng tham gia cuộc vận động của Bộ Công Thương để mua dưa nhưng không thể cứ mãi trông chờ vào việc mua dưa ủng hộ được”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét. 

Theo ông, nếu không có giải pháp triệt để, tình trạng này sẽ tiếp tục lặp lại trong các mùa vụ tới, và không chỉ dưa, hành mà nhiều nông sản có thế mạnh xuất khẩu như gạo, tiêu, điều sẽ rơi vào cảnh khó khăn tương tự. 

"Hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, hệ quả là thua ngay trên sân nhà khi hội nhập ngày một sâu và không thể được bảo hộ nữa", ông nói thêm.

Kể lại câu chuyện của một cửu vạn ở Lạng Sơn trong đợt ùn ứ dưa hấu vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý xót xa bởi vấn đề này lặp đi lặp lại nhiều năm đến nay chưa được giải quyết.

“Vận động mua dưa như vừa qua liệu có phải là biện pháp không”, ông băn khoăn.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định câu chuyện này một lần nữa cho thấy thực thi chủ trương, chính sách có vấn đề. “Chúng ta đã có hẳn một nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp rồi mà bao năm năm vẫn nói lại chuyện của dưa hấu”, ông Quyền bức xúc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - Trương Thị Mai, tại kỳ họp khai mạc cuối tháng này, Quốc hội cũng cần lên tiếng thể hiện quan tâm, để người nông dân cảm thấy được chia sẻ và để thúc giục cơ quan điều hành sớm có giải pháp tìm lối ra cho nông sản.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra tình trạng nông sản tại nhiều vùng rớt giá mạnh và ùn tắc ở khu vực cửa khẩu, biên giới. Ngoài hàng chục tấn gạo ùn ứ ở Lào Cai mới đây, dưa hấu cũng rơi vào tình cảnh tương tự khiến nông dân miền Trung điêu đứng. Trong khi đó, hành tây, hành tím Sóc Trăng, hành tây Đà Lạt rớt giá thê thảm... 

Mặt hàng vải thiều của nông dân Bắc Giang sắp vào chính vụ cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu đầu ra, khi mà những thông tin về thị trường xuất khẩu cũng chưa có tín hiệu cụ thể.

Trước tình cảnh dưa thu hoạch không bán được phải cho bò ăn, ruộng dưa đến lứa bị ngấp úng mà không bán được, nhiều cá nhân đã đứng ra vận động mua ủng hộ nông sản cho bà con. Đoàn thanh niên các địa phương cũng tình nguyện lập điểm bán dưa, hành tím và kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản giúp nông dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 4 tháng đầu năm đạt hơn 9,1 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 4,5 tỷ USD, giảm 6%, đặc biệt ở các mặt hàng chủ lực như gạo và cà phê.

Cụ thể, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm ước đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 849 triệu USD, giảm 5% về khối lượng và 9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gạo sụt giảm là giá trên thị trường thế giới đi xuống, bình quân 3 tháng đầu năm 2015 đạt 436,9 USD một tấn, giảm 5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 40% về lượng và 45% về giá trị trong những tháng đầu năm.

Cà phê 4 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 466.000 tấn, tương ứng 970 triệu USD, giảm 41% về khối lượng và 39,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trong bối cảnh giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm tăng, việc sản lượng giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu loại hàng hóa này.

Chí Hiếu - Phương Linh

Theo: www.vnexpress.net

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che