Trở thành Tổng giám đốc Standard Chartered VN trong bối cảnh khó khăn chung nhưng theo ông Nirukt Sapru, nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Vị CEO này cũng tỏ ra quan tâm đến việc xử lý nợ xấu và nâng room khối ngoại.
- Vừa nhận nhiệm vụ điều hành một ngân hàng tại Việt Nam, ông có ấn tượng gì về nền kinh tế này ?
- Tôi nghĩ Việt Nam rất thú vị, có nhiều tiềm năng để phát triển. Điều đó phù hợp với mong muốn của tôi là làm việc tại một nơi mà mình có thể tạo ra sự khác biệt, đưa ngân hàng lớn mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp, khách hàng tốt hơn.
Nhiều người đã nói với tôi về những khó khăn ở Việt Nam. Còn tôi thì lại nhìn thấy điều ngược lại. Tôi thấy nhiều cơ hội với nhiệm vụ này ở đây và tin mình sẽ vượt qua được những thách thức ấy.
|
Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam Nirukt Sapru cho rằng Việt Nam cần "marketing" bản thân để thu hút đầu tư. Ảnh: Thanh Lan.
|
- Nhưng dù sao ông cũng đến Việt Nam khi nền kinh tế đang khá trì trệ. Ông có thể chia sẻ những gì mà người tiền nhiệm - Louis Taylor - đã nói về tình hình khi bàn giao lại công việc cho ông?
- Đó là một buổi nói chuyện lý thú. Những kinh nghiệm của Louis Taylor trong 3 năm ở đây thực sự rất bổ ích cho tôi. Ông ấy cũng giải thích nhiều về Việt Nam cũng như nền kinh tế của các bạn. Tôi thấy tự hào khi được tiếp quản công việc này.
Còn lại, tôi vẫn không nghĩ thời điểm này là tệ. Một đất nước mà theo dự kiến của Chính phủ, GDP có thể tăng trưởng 5,8% năm 2014 thì vẫn là tốt. Đương nhiên sẽ có một vài thách thức và Chính phủ cũng đang tập trung khắc phục đó thôi. Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Các bạn có lực lượng lao động tài năng, dân trí cao và cơ sở hạ tầng tốt. Tôi thấy mình lạc quan.
Vừa qua Việt Nam trải qua nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ đó là những thay đổi cần thiết. Sẽ có một vài chỗ phải uốn nắn, sửa chữa nhưng ở đâu cũng cần những lúc như vậy. Nhìn từ bên ngoài, tôi thấy triển vọng kinh tế về mặt dài hạn rất tốt.
- Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp nói chung cũng như trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Dự kiến “room” cho khối ngoại ở một ngân hàng nội địa tăng từ 30% lên 49%. Nếu là một nhà đầu tư, ông thấy thế nào?
- Đầu tư vào đâu cũng vậy, không riêng ngân hàng, nếu chỉ nắm giữ 15-25% cổ phần, dù có thể gây ảnh hưởng, nhưng bạn không thể thực sự kiểm soát nên khó thay đổi mọi thứ một cách nhanh chóng. Vì lẽ đó mà đôi khi lại dẫn tới hệ quả tăng trưởng bị chậm lại.
Vì thế, việc nới “room” là một thông tin rất tốt với các nhà đầu tư. Còn về tỷ lệ 49%, rất khó để nói “room” như vậy là đủ hay chưa. Cuộc sống biết thế nào là đủ? Nhưng rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhìn thấy một "room" linh hoạt cũng như quyền lợi đi kèm với tỷ lệ sở hữu ấy. Nhìn chung, tự do hóa sẽ là điều tốt trong lĩnh vực ngân hàng.
- Có vẻ nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm với nợ xấu của Việt Nam. Còn ông thấy sao?
- Tôi không nghĩ là mình quá hào hứng hay quá lo ngại những khoản nợ dưới chuẩn này. Không riêng gì ngân hàng, cả nền kinh tế và Chính phủ cần "dọn dẹp" chúng. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà Chính phủ cần có những động thái mạnh mẽ và kiên định hơn. "Cục máu đông" này giải quyết càng nhanh thì càng tốt cho nền kinh tế.
Để có được một thị trường mua bán tài sản, trong đó có nợ xấu phát triển, Việt Nam cần một hệ thống pháp lý để các giao dịch diễn ra một cách nhanh chóng. Thứ hai, cần có một phương tiện định giá tài sản hiệu quả. Tiếp đến là một cơ chế cho phép người sở hữu dễ dàng chuyển giao các khoản nợ hoặc tài sản. Tôi tin rằng một khi các nhà đầu tư nước ngoài làm quen với quá trình đó, họ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
- Hiện Việt Nam đang bị coi là có phần yếu thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt trước sự "đe dọa" của những người hàng xóm như Myanmar, Indonesia đang ngày càng lớn mạnh. Ông có lời khuyên nào cho Việt Nam về điểm này?
- Kinh tế thế giới bây giờ xoay quanh chữ Coopetition (hợp tác - Cooperation và cạnh tranh - Competition). Lúc này có thể là hợp tác với nhau nhưng lúc khác có thể chúng ta đang cạnh tranh. Đó là cuộc sống thôi. Bởi vậy vấn đề của Việt Nam không phải là lo ngại về sự lớn mạnh của các nước hàng xóm mà cần trở nên hấp dẫn đầu tư hơn nữa. Việt Nam nên tự "marketing" bản thân với các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư, khả năng tăng trưởng tín dụng...
Thanh Thanh Lan