Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2013 ước tính đàn trâu, bò của cả nước giảm khoảng 3 - 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đàn lợn giảm khoảng 1 - 2%, đàn gia cầm giảm khoảng 2 - 3%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc giảm giá thịt lợn là nguyên nhân chính khiến số đàn lợn giảm sút so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất thịt lợn quý I/2013, theo Tổng cục Thống kê, giảm tới 20% so với quý I/2012. “Thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm, nhất là tại các tỉnh Nam bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư tái đàn”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giải thích thêm, có lý do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm đầu ra tăng thấp hơn khiến người nuôi “chán” tái đàn. Tuy nhiên, còn nguyên nhân khác liên quan đến giảm cầu tiêu thụ là nhập khẩu gia cầm tăng nhanh, trong khi xuất khẩu lợn sang Trung Quốc giảm sút... Ngoài ra, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến chăn nuôi.
Tương tự là chăn nuôi gia cầm, sau Tết Quý Tỵ, thời tiết thay đổi, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của loài vật nuôi này. Cộng với việc nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao ở nhiều địa phương tổ chức lễ hội kích thích tư thương vận chuyển giữa các địa phương đã làm phát tán mầm bệnh. Do dịch cúm xuất hiện trở lại tại một số tỉnh, đã có hơn 14.000 con gia cầm bị chết và tiêu hủy.
Nhưng không chỉ có vật nuôi mà thủy sản nuôi trồng cũng đối mặt nhiều khó khăn. Con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong quý I/2013 chỉ đạt 501,4 ngàn tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khó khăn nhất là nuôi trồng cá tra. “Quý I/2013, sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu giảm, trong khi giá thuốc, con giống và thức ăn đều tăng, nên giá thành sản xuất cao, người nuôi bị lỗ nặng...”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ, giá bán cá tra trung bình tháng 1 và 2/2013 chỉ khoảng 20.750 đồng/kg, trong khi đó chi phí nuôi trung bình ước tính khoảng 23.500 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ khoảng 2.750 đồng/kg. Sang tháng 3/2013, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên 22.500 đồng/kg, tuy vậy người nuôi vẫn lỗ khoảng 1.000 đồng/kg.
Một nguyên nhân quan trọng đang đẩy rủi ro cho người nuôi cá tra là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã áp mức thuế chống bán phá giá đối với một số DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ với mức thuế suất tăng từ 25 - 44 lần so với mức trước đó.
Một đại diện từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói với Thời báo Ngân hàng, tình hình nuôi trồng cá tra trong năm nay sẽ rất khó khăn. Theo vị này, năm ngoái xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt khoảng 385 triệu USD, nhưng năm nay có khả năng “mất trắng” thị trường này. Trong khi, xuất khẩu sang châu Âu cũng khó khăn do kinh tế khu vực này suy giảm.
“Khả năng xuất khẩu cá tra năm nay sẽ diễn ra với kịch bản xấu, chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD (năm ngoái là 1,7 tỷ USD), thay vì các kịch bản tốt hơn là 1,5 hay 1,8 tỷ USD mà Bộ Công Thương tính toán”, vị nọ cho hay.
Vì điều kiện sản xuất cá tra khó khăn, nhiều hộ nuôi trồng đã giảm quy mô sản xuất. Tại Đồng Tháp, sản lượng cá tra trong quý I/2013 ước giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước; Bến Tre giảm tới 48,6%; Cần Thơ giảm 33,7%; Tiền Giang giảm 21,6%... Tổng hợp chung cả nước, ước tính tổng sản lượng cá tra quý I/2013 chỉ đạt 202 ngàn tấn.
Theo Diệu Hương