Một trong những lý do mà VFA đưa ra khuyến cáo như vậy vì lo ngại đầu năm 2013 thị trường gạo sẽ trầm lắng và giá gạo xuống thấp như đã từng xảy ra vào đầu năm 2012 khi Ấn Độ đẩy mạnh bán gạo giá rẻ.
Xuất khẩu kỷ lục
Theo báo cáo sơ kết xuất khẩu gạo tháng 10-2012, VFA cho biết lượng gạo xuất khẩu trong tháng đạt trên 646.000 tấn với giá trị 287,7 triệu USD. So với kế hoạch ban đầu, xuất khẩu gạo tháng 10 đã tăng gần 50.000 tấn tuy nhiên vẫn thấp hơn kế hoạch điều chỉnh 700.000 tấn mà VFA đưa ra hồi tháng 9. Nguyên nhân là số lượng giao hàng theo hợp đồng cho Indonesia đạt thấp hơn dự kiến.
Tuy vậy, tính chung cho cả 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo của VN vẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 6,48 triệu tấn, giá trị 2,87 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2011, xuất khẩu gạo của VN tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 5,85% về giá trị do giá gạo năm nay thấp hơn năm ngoái. Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của VN khi chiếm tới 67,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp theo là châu Phi (24,7%), châu Mỹ (4,7%),…
Trung Quốc tiếp tục là thị trường gạo lớn nhất cảu VN với số lượng xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn (chưa kể Hong Kong mua gần 190.000 tấn), tiếp theo là Philippines 1,057 triệu tấn, Malaysia 601.000 tấn, Indonesia 380.000 tấn,… Trong 10 tháng qua, gạo cao cấp 5% tấm tiếp tục là loại gạo xuất khẩu chủ lực với 49% tổng lượng xuất khẩu, gạo cấp thấp (25% tấm) chỉ chiếm 13,2%. Giá xuất khẩu gạo VN trong tháng 10 cũng đã ổn định và tăng nhẹ so với tháng 9 do nguồn cung hạn chế làm giá gạo trong nước tăng thêm.
Cũng trong tháng 10, lượng hợp đồng đăng ký tăng đáng kể so với tháng 9 do ký hợp đồng tập trung với Indonesia 300.000 tấn. Do đó, lượng hợp đồng còn phải giao hàng từ nay đến hết tháng 12 là hơn 1 triệu tấn, năm nay VN có thể xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo. Hơn nữa theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, tùy vào số lượng hợp đồng ký trong tháng 11 này, lượng gạo xuất khẩu cả năm của VN có thể lên đến 7,7 triệu tấn. Nếu đạt được con số này thì năm 2012 VN sẽ đạt mức xuất khẩu gạo cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Áp lực cuối năm
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, VFA khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong hai tháng cuối năm do nguồn cung gạo trong nước khá dồi dào trong khi áp lực giảm giá trên thị trường thế giới vẫn rất lớn khi Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và áp lực giảm tồn kho của Thái Lan.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng lúa cả năm 2012 đạt 42,5-42,8 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011. Theo đó, sản lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là 7,5-7,7 triệu tấn. Nếu tính cả lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp từ năm 2011 chuyển qua thì lượng gạo hàng hóa năm 2012 lên tới 8,6-8,8 triệu tấn. Nếu lượng gạo dành để gối đầu vụ sau là 1,1 triệu tấn thì con số xuất khẩu 7,7 triệu tấn trong năm nay của VN là hoàn toàn khả thi.
Tình hình thị trường gạo thế giới trong thời gian tới dự báo theo xu hướng bão hòa đến sụt giảm do nhiều nước sản xuất bước vào vụ thu hoạch mới (bao gồm Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia và Thái Lan) kết hợp với nhu cầu yếu và thương mại thận trọng từ các nhà nhập khẩu. Trong đó, Thái Lan là mối quan tâm chính trên thị trường vì không biết bao nhiêu và khi nào tồn kho sẽ được bán ra. “Nỗi lo Thái Lan sẽ bán phá giá để giải quyết tồn kho đang đè nặng tâm lý thị trường”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang cho biết.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã không gián đoạn như dự báo và nước này đang trở lại thị trường mạnh mẽ sau thời kỳ khó khăn của mùa mưa. Với điều kiện hiện nay, Ấn Độ sẽ là nước xuất khẩu cạnh tranh nhất và lớn nhất không chỉ với VN mà còn cả các nước xuất khẩu gạo của ASEAN. Dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết năm 2012 Ấn Độ sẽ đạt mức xuất khẩu kỷ lục 9,75 triệu tấn và soán ngôi Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Trước diễn biến bất lợi từ thị trường thế giới, VFA lo ngại thời gian tới xuất khẩu gạo VN sẽ giảm do nguồn cung cấp hạn chế và thiếu cạnh tranh so với các nguồn cung cấp khác. Hiện giá gạo 5% tấm của VN cao hơn gạo của Ấn Độ và Pakistan khoảng 20 USD/tấn, trong khi loại gạo 25% tấm cao hơn từ 30-40 USD/tấn. Do đó, tình hình xuất khẩu gạo VN có thể lặp lại như giai đoạn từ cuối năm 2011 đến qúy 1-2012 do giá gạo trong nước cao không thể cạnh tranh với gạo giá thấp của Ấn Độ. Kết quả là VN thiếu hợp đồng giao hàng trong quý 1-2012.
Thảo Minh