Mặc dù thành phố Hà Nội đã bỏ ra 376 tỷ đồng hỗ trợ vay vốn lãi suất không phần trăm, nhưng vì hiệu quả mang lại thấp nên doanh nghiệp không mặn mà với chương trình bình ổn giá mang hàng về nông thôn.
Chiều 23/8, Sở Thông tin Truyền thông và Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức buổi thông tin về công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết, từ khi Hà Nội mở rộng khoảng cách về mức sống và nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô ngày càng có sự khác biệt. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng như chương trinh bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đang góp phần thu hẹp khoảng cách đó.
Phía Sở Công thương luôn khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và xây dựng nhiều mặt hàng trong diện bình ổn giá. Tất cả các sản phẩm hàng Việt tham gia đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo yếu tố giá cả và chất lượng. Tuy nhiên do thu nhập bình quân ở vùng nông thôn còn thấp nên các doanh nghiệp thường đưa về các sản phẩm bình dân, đảm bảo quyền lợi cho cả người dân và khách hàng.
Theo Sở Công thương Hà Nội, thực hiện chương trình bình ổn giá của các mặt hàng thiết yếu, năm 2012 thành phố đã chi 376 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất cho các doanh nghiệp. Số tiền này đáp ứng được khoảng 8% so với nhu cầu tổng mức mười nhóm mặt hàng thiết yếu trong diện bình ổn giá.
Khi tham gia chương trình hàng bình ổn, doanh nghiệp phải đăng ký giá bán, cam kết bán đúng giá với Sở Tài chính và chỉ được phép tăng giá khi có ý kiến bằng văn bản. Nhưng mức giá điều chỉnh vẫn phải đảm bảo thấp hơn 10% so với giá thị trường.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, các chương trình đưa hàng về nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, vì thế doanh nghiệp ít mặn mà. Theo kế hoạch năm 2012 thành phố sẽ tổ chức 400 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ thực hiện được 35 chuyến bán hàng.
Bên cạnh đó cũng mới chỉ có 15 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá phục vụ người dân có thu nhập thấp. Theo ông Đồng, những chương trình này hiệu quả mang lại không cao nên doanh nghiệp thường cân nhắc kỹ càng trước khi tham gia.
Cũng theo ông Đồng từ khi Việt Nam gia nhập WTO, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm nội - ngoại rất quyết liệt. Hàng chính ngạch, tiểu ngạch, thậm chí cả hàng nhập lậu cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Có sản phẩm hàng ngoại thắng hàng nội, nhưng cũng có nhiều sản phẩm hàng Việt Nam luôn khẳng định vượt trội. Thậm chí còn có nhiều sản phẩm hàng nội bị các doanh nghiệp ngoại làm giả, làm nhái.
"Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì sản phẩm làm ra trước tiên phải đạt chất lượng và giá thành tương đương với hàng ngoại. Người tiêu dùng hiện nay đang cảnh giác với những mặt hàng ngoại, hàng Trung Quốc giá rẻ và đã quay sang sử dụng hàng Việt. Điều đó chứng tỏ hàng Việt đang có nhiều tiến bộ, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng" - ông Đồng cho hay.
Theo Nguyễn Dũng
Infonet