Trong gần một năm trở lại đây, “chợ gà” họp ở cánh đồng Quan (thôn Chợ, xã Bình Minh) được coi là trạm trung chuyển gà lớn nhất nhì ngoại thành Hà Nội. Gà được tập kết với số lượng lớn đều đặn mỗi ngày nhưng nhộn nhịp nhất vào lúc 17 - 19 giờ, khi các xe tải chở gà nườm nượp đổ về. Cả đoạn đường bê tông dài nửa km la liệt gà sống. Càng về tối, khung cảnh mua bán diễn ra càng tấp nập dưới dàn đèn cao áp sáng choang.
Sống chết đều được bán
Trong vai lái buôn tìm mối hàng lớn, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận được các đầu nậu chuyên thu mua và cung cấp gà tại đây. “Tìm đến đây là đúng nhất rồi. Dịch thì dịch chứ muốn mua bao nhiêu cũng có, ngày nào cũng có, gà béo, ngon lắm”, một chủ xe gà tên Quân liến thoắng quảng cáo khi khách ngỏ ý mua hàng. Hỏi giấy kiểm dịch khi xuất hàng đi, Quân cười nhạt: “Gà ở đây làm gì có giấy tờ gì. Chỉ có giấy gà đi ô tô thôi”.
Lộc, một lái buôn gà có thâm niên nhiều năm trong nghề ở Bình Minh (huyện Thanh Oai), cho biết trước đây chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) có quy mô lớn nhất ở ngoại thành Hà Nội. Nhưng mấy đợt dịch vừa qua, kiểm dịch “làm căng quá” nên hầu hết dân buôn gà đều dạt về đây tập kết gà bán lại cho các mối. Ở khu vực này, cao điểm có những ngày tới 18 - 20 xe tải nằm chờ dỡ hàng, tỏa đi các chợ vùng lân cận.
Trong những ngày có mặt ở trạm trung chuyển gà này, chúng tôi tận mắt chứng kiến gà bệnh, gà thải, gà chết… bán tràn lan giữa mùa dịch. Ở khu vực chợ gà này, không những gà sống bán chạy mà gà chết cũng bán đắt như tôm tươi. “Gà sống bán cân còn gà chết bán con. Cứ 20.000 - 30.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ”, chủ gà tên Lộc trả lời ráo hoảnh.
Vùng trắng kiểm dịch
Một lái buôn gà ước tính, mỗi ngày “chợ gà” ở đây trung chuyển 25 - 30 tấn gà từ các tỉnh cung cấp cho nội thành Hà Nội. Gà được thu mua ở hầu khắp các tỉnh, từ Bắc Giang, Ba Vì, Sơn Tây đến Hải Phòng, Quảng Ninh, cả những nơi đang có ổ dịch cúm A/H5N1 hoành hành như Hải Dương, Thanh Hóa. Thế nhưng, liên tiếp trong những ngày 3, 4 và 5.3 có mặt để ghi hình, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng. Trong khi đó, Trạm thú y huyện Thanh Oai cách khu chợ không xa.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Trung Bắc, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Bình Minh (huyện Thanh Oai), một mực khẳng định: “100% gà được vận chuyển về điểm tập kết đều có giấy tờ kiểm dịch rõ ràng, xã thường xuyên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cán bộ Trạm thú y huyện Thanh Oai tiến hành kiểm tra giấy kiểm dịch mỗi khi xe đánh hàng về”. Theo ông Bắc, trong trường hợp phát hiện xe nào vi phạm, gia cầm không có giấy tờ kiểm dịch nguồn gốc xuất xứ sẽ tịch thu toàn bộ số hàng và xử phạt hành chính. Thế nhưng, theo con số thống kê thì từ đầu năm 2014 đến nay “không phát hiện được xe nào vi phạm” (?).
Còn ông Hoàng Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Thanh Oai, cũng phủ nhận hoàn toàn và kiên quyết khẳng định “gà đều được kiểm dịch chặt chẽ khi đưa về điểm tập kết”. Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra bằng chứng ghi hình trong suốt những ngày đi thực tế không có lực lượng thú y thì ông Tuấn chống chế: “Cả trạm chỉ có 7 cán bộ nên không phải lúc nào cũng có mặt để kiểm dịch được”. Sau đó, ông Tuấn tuyên bố từ chối trả lời mọi câu hỏi rồi bỏ ra ngoài với lý do “phải tiếp đoàn cán bộ Chi cục Thú y Hà Nội về kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm ở địa phương”.
Lập tổ công tác… cũng không phát hiện vi phạm
Chiều 16/3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Phú Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết từ ngày 7/3, UBND huyện Thanh Oai đã lập tổ công tác lưu động gồm đầy đủ lực lượng công an, quản lý thị trường, cán bộ thú y có mặt thường xuyên kiểm tra đồng thời di chuyển điểm tập kết gà vào bên trong, cách quốc lộ 21B khoảng 200 m. Điều lạ là theo ông Sơn, qua kiểm tra, tất cả gà vận chuyển về điểm tập kết đều có đủ giấy tờ thủ tục hành chính, không phát hiện được trường hợp nào vi phạm. N.T
|
Theo Nguyễn Tuấn