Đó là lý giải của ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) với Thanh Niên Online về việc giá cước, phí vận tải biển tăng vùn vụt như vừa qua.
Không có sự chọn lựa
* Ông nhận xét như thế nào về sự than phiền của doanh nghiệp trước việc giá cước tàu biển tăng cao như thời gian qua?
- Đây chính là bất cập của ngành tàu biển Việt Nam. Tàu thì Việt Nam có nhiều nhưng toàn tàu nhỏ, có trọng tải dưới 1.000 tấn nên chỉ chạy loanh quanh chuyên chở trong nước. Còn vận chuyển ra nước ngoài thì các tàu lớn của nước ngoài nắm hết.
Một khi đã nắm toàn bộ thị trường thì các chủ tàu nước ngoài có quyền áp đặt giá cước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
* Kinh tế thế giới khó khăn, hàng hóa tiêu thụ ít thì giá cước vận tải phải giảm nhưng tại sao giá cước vận tải biển ở Việt Nam vẫn tăng?
- Đơn giản là vì tàu củaViệt Nam không thể tham gia vận chuyển hàng đi nước ngoài mà phải thông qua chủ tàu nước ngoài. Khi đã kiểm soát được thì họ áp giá cước đối với hàngViệt Nam xuất khẩu ra quốc tế.
Cái khó là dù biết giá cước cao nhưng doanh nghiệp trong nước không có sự lựa chọn nào khác. Không những tăng giá cước, chủ tàu nước ngoài còn đưa ra đủ loại phí dịch vụ mà mình vẫn phải chịu.
Cần thành lập hiệp hội chủ hàng
* Hiện tàu trong nướcchiếm bao nhiêu % khối lượng hàng hóa chuyên chở ra nước ngoài?
- Ước tính của tôi, hiện có khoảng 8-10% hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài do doanh nghiệp Việt Nam chở. Số còn lại đều do chủ tàu nước ngoài vận chuyển. Điều đáng chú ý là 100% lượng hàng đóng bằng container đều do tàu nước ngoài vận chuyển. Trong khi đó, một nămViệt Nam xuất khẩu 1,2- 1,5 triệu container ra nước ngoài.
Tuy nhiên, con số này chỉ ở mức tương đối thôi bởi hiện chưa có một thống kê đầy đủ về vấn đề này. Nhưng một điều chắc chắn là tàu của mình nhỏ, chỉ có thể chạy loanh quanh các nước châu Á, chứ còn xuất sang châu Phi thì phải thuê tàu nước ngoài.
Chưa kể giờ Việt Nam đã có cảng nước sâu Cái Mép nên tàu nước ngoài vào chở trực tiếp chứ không thông qua trung gian tàu nhỏ như trước đây.
*Cơ quan chức năng có biện pháp gì để kéo giá vận tải biển xuống nhằm tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu của VN?
- Giá cước là sự thỏa thuận của giữa chủ hàng Việt Nam và chủ tàu nước ngoài nên Bộ Giao thông vận tảicũng nhưVSA không thể can thiệp được.
Chỉ còn một cách là các ngành hàng trong nước như thủy sản, may mặc, cà phê, điều, tiêu… liên kết lại và thành lập ra hiệp hội chủ hàng làm đối trọng với chủ tàu nước ngoài.
Hiệp hội chủ hàng này sẽ thay mặt cho doanh nghiệp yêu cầu chủ tàu nước ngoài công khai minh bạch giá cước, phí vận chuyển. Nếu chủ tàu nước ngoài không minh bạch được thì hiệp hội chủ hàng sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Cước tàu biển ở Việt Nam cao hơn 10-15% so với các nước cùng khu vực
Theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, từ tháng 3.2012, các hãng tàu bắt đầu tăng cước vận tải biển từ 240 - 800 USD tùy thuộc vào từng cảng đến.
Trong hai tháng 4 và 5.2012, phụ phí cước vận chuyển cho một container (20 feet) từ Việt Nam đi châu Âu, Mỹ được tăng lên mức 400 USD.
Như vậy, trong những tháng đầu năm, giá cước tàu tăng từ 640 - 1.200 USD/container (20 feet), ảnh hưởng rất lớn đến giá thành hàng xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường châu Âu và Mỹ.
Giá cước tàu biển ở Việt Nam luôn cao hơn so với Thái Lan, Philippines từ 10 - 15% khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn và làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. |
Theo Trung Hiếu
Thanh niên