Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư quý II của Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) vừa diễn ra, hoạt động đầu tư vào nông nghiệp - chăn nuôi của đơn vị này nhận được rất nhiều sự quan tâm khi vẫn còn không ít ý kiến nghi ngại về cơ hội của tập đoàn trong lĩnh vực vốn được đánh giá là nhiều rủi ro. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên nghe những ý kiến lo ngại về việc Hòa Phát dấn thân vào làm nông nghiệp.
"Bên cạnh sự rủi ro, nhiều nhà đầu tư còn cho rằng đây là lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn lâu. Nhưng như tôi đã từng nói, trước đây, từ lĩnh vực sản xuất máy xây dựng, chúng ta tham gia vào làm thép, ai cũng gàn và nói chắc chắn Hòa Phát sẽ chết vì thép Trung Quốc tràn lan, giá rẻ và sự cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã có câu trả lời cho họ. Với lĩnh vực nông nghiệp tôi cũng có một niềm tin như vậy", ông Long bày tỏ.
|
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: N.M
|
Lãnh đạo Hòa Phát cũng cho biết, hiện lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, tập đoàn cũng không thể kỳ vọng có lợi nhuận ngay trong năm 2016. Tuy nhiên, theo ông, lĩnh vực này đang đứng trước những cơ hội lớn từ thị trường khi nhu cầu đối với thực phẩm sạch, có nguồn gốc chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay.
"Thực ra sự cạnh tranh là rất tốt, hơn nữa suy cho cùng chúng ta cũng không thể mong một mình một chợ được. Ở thị trường thức ăn chăn nuôi có hàng chục tên tuổi lớn như CP, Con Cò, Green Feed... Chúng ta vào rất tôn trọng họ nhưng cũng không có gì phải lo ngại. Nhiều người có khi theo đuổi một lĩnh vực mới thường chọn những thị trường ngách để tránh các đối thủ lớn. Nhưng quan điểm của tôi là không ngại cạnh tranh, chiến lược của Hòa Phát là phải trở thành xe tăng, xe lu nên cứ trực diện mà làm", ông Long cho hay.
Chủ tịch Hòa Phát cũng đánh giá, hiện các hoạt động trong lĩnh vực này của Hòa Phát đang diễn biến tốt. Tập đoàn hiện có 2 dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó nhà máy tại Hưng Yên đã hoàn thành và đưa vào chạy thử. Còn nhà máy tại Đồng Nai đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang chuẩn bị xây dựng những nhà máy tiếp theo tại Phú Thọ và Đồng bằng Sông Cửu Long (hoặc mua lại).
Ông Long cũng cho biết sẽ tập trung vào mặt hàng được tiêu thụ nhiều là lợn, bò, gà. Hòa Phát đã nhập 2 đợt giống heo với tổng số 1.400 con nuôi ở Yên Bái và Bình Phương, đồng thời dự kiến sẽ cung cấp lợn thương phẩm ra thị trường vào năm 2018. Mục tiêu của Hòa Phát là trong 10 năm tới cung ra thị trường khoảng một triệu đầu lợn.
Tập đoàn này cũng dự định gây khoảng một triệu con gà, cung cấp trứng và thành phẩm ra thị trường. Như vậy, trong nhóm ngành chăn nuôi của Hòa Phát đã triển khai được 2 khâu là Farm và Feed. Dự kiến, sau khi phát triển tốt 2 khâu này, 10 năm nữa, HPG sẽ đầu tư vào mảng Food - tức chế biến.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hòa Phát cũng công bố kết quả kinh doanh quý II, trong đó mức lợi nhuận tăng đột biến gấp đôi so với quý I. Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt 8.144 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế đạt tới 2.030 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay trong một quý của Hòa Phát.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG ước đạt doanh thu 15.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.050 tỷ đồng. Con số doanh thu đạt khoảng 55% nhưng lãi sau thuế đã đạt tới 95% kế hoạch năm 2016. Doanh thu và lợi nhuận từ ngành thép chiếm tới 85% cơ cấu của toàn tập đoàn.
Lý giải về mức lợi nhuận đột biến trong quý II, ông Long cho biết do sản lượng bán hàng tăng, việc cơ quan quản lý áp thuế tự vệ thương mại tạm thời nên giá lên, chính sách nhập nguyên liệu theo năm cũng góp phần giúp Hòa Phát hưởng lợi về giá vốn...
Ông Long cũng cho biết, nếu không có diễn biến bất thường, năm 2016 lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra đầu năm, kế hoạch lợi nhuận đề ra của tập đoàn này chỉ là 3.200 tỷ đồng.