Ngày 16/5, tại phiên họp của UBTVQH, sau khi nghe đại diện Bộ Y tế trình bày dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt vấn đề: “Ai chịu trách nhiệm cuối cùng về giá thuốc?”
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Dự thảo luật theo hướng đổi mới về quản lý giá và đẩy mạnh công nghiệp dược. Hiện nay Bộ Y tế quản lý giá thuốc chịu trách nhiệm từ danh mục thuốc, phân phối, sử dụng, đấu thầu… Tuy nhiên, theo bà Tiến, quy định này là bất cập bởi nó không độc lập, không công khai, không quản lý giá tốt được.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất nên có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý. Trong đó, Bộ Tài chính quản lý giá biến động giá, khả năng bình ổn giá, còn Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn.
Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, hiện nay cơ chế trình và duyệt giá thuốc rất lằng nhằng, Bộ Y tế trình cho Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện. Sau đó, Hội đồng lại trình cho Bộ trưởng và ý kiến chỉ mang tính chất tư vấn.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét vẫn chưa xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước nhà nước về giá thuốc.
Cho ý kiến về vấn đề quản lý giá thuốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, lâu nay chúng ta lúng túng trong việc quản lý giá thuốc vì nó phức tạp, thuốc thì đa chủng loại. Quy định như trên không rõ chủ thể nào chịu trách nhiệm chính về giá thuốc. “Lĩnh vực thuốc là lĩnh vực có tính chuyên môn, Bộ Tài chính quản lý về giá nhưng họ lại thiếu chuyên môn” – ông Lưu nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Sửa luật thế nào để cho phát triển được ngành công nghiệp sản xuất thuốc. 90% thuốc nhập như hiện nay là không ổn, vì là thứ thiết yếu của cuộc sống”. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật cần lùi lại chuẩn bị thêm.
Cũng trong buổi họp, bà Kim Ngân góp ý thêm cần xem lại chính sách phát triển, sản xuất thuốc, trong đó chú trọng đến phát triển thuốc Đông y. Có cùng quan điểm như trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước nhấn mạnh: “Dự thảo luật chưa giải quyết được tình hình khai thác có tính hủy diệt nguồn dược liệu quý ở nước ta. Bên cạnh đó nguồn động vật có giá trị về mặt dược cũng không được bảo vệ”.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sửa đổi 25/73 điều, bổ sung Mục VIII, Mục IX vào Chương II và bổ sung Điều 47a về công tác dược lâm sàng. Bên cạnh đó luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung về chính sách của Nhà nước về dược, quản lý nhà nước về giá thuốc, chất lượng, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. |
Theo Lương Kết