Cô dâu Việt kể về cuộc sống với mẹ chồng Đức 'khác lạ'
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 1550
Hôm qua: 978
Tổng số: 8580930
 

 
 

Cập nhật lúc: 11/1/2017 10:32:11 AM
"Lần đầu gặp, tôi chưa kịp nhìn xem mẹ chồng già hay trẻ, gầy hay béo thì đã bị bà ôm gọn trong vòng tay", chị Hà Anh kể.

Chị Phan Hà Anh, quê Hải Phòng, đang sống cùng chồng và hai con tại vùng Lübeck, thuộc CHLB Đức. Sau 12 năm kết hôn, chị mãn nguyện với hạnh phúc và những trải nghiệm làm vợ, làm mẹ, làm dâu nơi xứ người. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị về người mẹ chồng Đức luôn yêu thương, tôn trọng và hiểu chị không khác gì mẹ ruột.

Khi mới yêu anh chàng "mũi lõ", tôi đã hỏi đi hỏi lại "Mẹ anh là người như thế nào? Bà có khó tính không?". Nghe anh trả lời ngắn gọn: "Khi nào gặp thì em biết ngay", tôi càng thấy lo lắng.

Khi đã sang Đức, lần đầu tiên ra mắt mẹ chồng, tôi rất hồi hộp, tim đập thình thịch. Tôi chỉ nói được tiếng Anh nên trước khi đi ông xã dạy một câu chào bằng tiếng Đức. Tôi lẩm bẩm học thuộc lòng nhưng đến khi cánh cửa nhà mở ra thì tôi quên mất. Mẹ chồng tôi hiện ra sau cánh cửa, tôi chưa kịp nhìn xem bà già hay trẻ, gầy hay béo thì đã bị bà ôm gọn vào lòng bằng hai cánh tay khoẻ khoắn. Thấy vậy, ông xã tôi bảo: "Mẹ đi vào nhà đã nào" thì bà mới chịu buông ra để tôi có chút hơi thở. Mẹ chồng tôi cao ráo, khoẻ mạnh mặc dù khi ấy bà gần 70 tuổi.

co-dau-viet-ke-ve-cuoc-song-voi-me-chong-duc-khac-la

Tôi cảm thấy đỡ hồi hộp hơn vì mẹ chồng tôi còn hồi hộp hơn cả tôi, bà chạy liên tục từ phòng khách đến bếp, từ bếp lên phòng khách, bà không biết làm cái gì trước, cái gì sau, quýnh quáng hết cả lên làm tôi phì cười. Ông xã tôi thì cằn nhằn "Running Mama" (Mẹ chạy như con thoi). Một lúc sau thì chị chồng tôi đến, chúng tôi ăn tối cùng nhau. Hôm ấy tôi ăn không nhiều bởi vì chưa biết dùng dao dĩa. Miếng thịt vịt nhảy tưng tưng trên đĩa như vẫn còn sống, dao dĩa bay liên tục xuống đất. Chúng tôi có một bữa tối thật ấm áp, gia đình chồng tôi thật gần gũi, như gia đình tôi ở Việt Nam. Trước khi về, bà dúi vào tay tôi đồng 50 Euro nói muốn mua gì thì mua.

Lần đầu tiên đi học lớp 1, bà nội tôi đã đi cùng với tôi, còn ở đây ngày đầu tiên đi nhập học tôi đi cùng... mẹ chồng. Thật buồn cười mỗi khi nhớ lại hôm đó. Bà đi nhanh kinh khủng, tôi phải chạy thì mới theo kịp, trong khi tôi thì đi tay không, còn mẹ chồng tay xách nách mang 101 cái túi. Bà vào phòng giám thị, bà đăng ký tên cho tôi, lấy địa chỉ, mua vé xe buýt... Người ta hỏi, tôi chưa kịp mở mồm thì bà đã trả lời xong. Sau đó chúng tôi cùng nhau đi mua sắm. Tôi để ý thấy bà chọn đồ rất hợp thời trang và cả sành điệu nữa. Phải nói rằng bà là một bà mẹ chồng rất điệu. 

Khi tôi còn chưa nói được tiếng Đức, bà thì không nói được nhiều tiếng Anh, cứ đi đâu thì mẹ chồng, con dâu mỗi người lại kè kè một cái từ điển điện tử. Có một lần, không thể giải thích được cho tôi từ ấy nghĩa là gì, bà vác nguyên cái thang, gỡ cái thánh giá treo trên tường xuống và bảo "Đây, nghĩa là cái này".

Thời gian trôi qua, chúng tôi không cần đến sự trợ giúp của từ điển nữa bởi vì đã hiểu nhau còn hơn cả mẹ con ruột. Ông xã mua cho tôi một cái xe đạp để đi học, bà nhất định không cho đi vì sợ tôi bị ngã và lạc đường. Bà nói: "Để mẹ trả tiền xe buýt cho nó". Bà không biết rằng ở Việt Nam tôi vẫn phóng xe máy trên đường phố Hải Phòng, đường sá giao thông còn kinh khủng hơn gấp mấy lần ở đây, đã vậy còn đèo theo cả con trai bà đằng sau.

Có lần tôi vào bệnh viện để nội soi ruột, nằm một mình trong bệnh viện, vừa đói vừa nhớ nhà, lại bị cơn đau hành hạ, tôi tủi thân quá, khi mẹ chồng tôi bước vào tôi khóc oà lên. Bà vứt cả áo, cả túi lao vào xem tôi bị làm sao. Tôi bảo: "Con đau quá". Bà thương con dâu cũng sụt sịt nước mắt, gọi y tá đem thuốc đến, mình bà thì đi vác nguyên một cái siêu thị vào cho tôi: hoa quả, bánh trái, salat, nước ép...

Đến khi tôi mang thai con nhóc, mỗi lần đi siêu âm ở bệnh viện, bà đều đi cùng. Bà lo khoản hậu cần thì khỏi chê, lúc nào tôi cũng được bồi dưỡng đầy đủ nên đã tăng tới 20 kg. Tôi cũng học đựợc từ mẹ chồng cách nấu rất nhiều món ăn của Đức, tuy không ngon bằng bà nấu.

Thứ bảy nào cả nhà chúng tôi đều đến nhà mẹ ăn tối. Ăn xong, tôi muốn giúp rửa bát đĩa thì bà bảo "Cứ ngồi đấy, không được sờ tay vào thứ gì". Mỗi khi tôi đề nghị giúp dọn dẹp nhà cửa thì bà nói: "Khi nào mẹ nằm liệt giường thì mới cần đến các con, bây giờ cứ để mẹ làm cho khoẻ người".

co-dau-viet-ke-ve-cuoc-song-voi-me-chong-duc-khac-la-1
Vợ chồng chị Hà Anh cùng hai con.

Có một lần bà làm hai vợ chồng tôi hết hồn hết vía. Đó là lần đi bệnh viện đẻ hụt, gọi điện về cho bà đỡ lo. Một tiếng trước tôi gọi thì bà vẫn còn ở nhà, một tiếng sau thì không ai nghe máy, gọi đi gọi lại cả máy bàn lẫn di động đều không được. Tôi lo lắng bảo chồng "Hay anh đến xem có chuyện gì xảy ra không". Lúc ấy là 2h đêm. Ông chồng tôi vừa lo lắng vừa bực bội xuống lấy xe đến nhà mẹ. Anh bấm chuông thì không ai mở cửa nên hoảng thật.

Lấy chìa khoá mở cửa ra, chúng tôi vào tới phòng ngủ thì thấy TV đang nói một mình còn mẹ thì ở tư thế ngồi (chứ không phải nằm) trên giường, ngáy khò khò một cách vô tư, di động để ngay bên cạnh. Khi nhìn thấy chúng tôi, bà giật mình tỉnh dậy, giải thích: "Mẹ tưởng em bé chui ra rồi nên vừa làm mấy cốc rượu ăn mừng, ai dè ngủ say quá".

Chúng tôi không sống cùng mẹ mà cuối tuần thường sang nhà bà "ăn chực". Cứ giữa tuần, bà lại hỏi: "Thế các con ăn gì để mẹ còn nấu". Tôi bảo "Con thích ăn thịt bò luộc với hạt tiêu xanh cho thêm ít lá nguyệt quế, sau đó thêm cà rốt và tỏi tây. Ngon lắm, ăn cứ gọi là cúp tai dài đuôi".

Nhưng chồng tôi lại thích chân giò nướng có nhiều thịt, nhiều calo. Hai con chúng tôi hồi đó chưa biết thịt bò và thịt lợn khác nhau ở chỗ nào nên chỉ đứng ngoài hóng hớt, nhìn hai đứa lớn đang gân cổ lên với nhau. Cuối cùng bà nói: "Hai đứa có im đi không! Chẳng khác gì trẻ con".

Cuối tuần cả nhà lò dò đến, ngửi thấy mùi chân giò nướng từ xa nên chắc mẩm thế nào cũng được một cục thịt lợn. Đến nhà mẹ, sau màn hôn hít chào hỏi, đứa lớn đứa bé nhào vô bếp bốc bải. Vợ bắt đầu mở máy phát thanh: "Mẹ ơi, hôm nay ăn gì thế?" thì bà bảo: "Mẹ nấu luôn hai món cho hai đứa đỡ oánh nhau". Nấu mấy món này rất cầu kỳ, mất 4-5 tiếng, chưa kể có khi phải chuẩn bị từ hôm trước. Mẹ chồng tôi giải thích: "Nếu mẹ nấu cho bố lũ trẻ thì hoá ra mẹ thiên vị con trai mình à? Hai đứa các con phải bằng nhau chứ". Tôi còn biết nói gì hơn ngoài việc ôm chặt bà. Quả là kiếp trước đi tu nên tôi mới gặp được mẹ chồng ngày hôm nay. 

Càng sống lâu bên bà, càng hiểu thêm về một người phụ nữ, một người mẹ, một người bà và đặc biệt một người mẹ chồng giàu tình cảm, nhất mực yêu thương con. Bà thương con dâu có thể nói hơn cả con gái, đi gặp họ hàng, bạn bè hoặc người quen bà đều mang con dâu ra khoe, đến nỗi họ chẳng lạ lẫm gì. Nhưng bà không bao giờ ép con dâu đi chơi cùng với bạn mình.

Mẹ chồng rất tôn trọng tôi. Khi bà muốn cho các con tôi ăn cái gì hoặc mua quà,  quần áo cho chúng thì đều hỏi qua ý kiến xem tôi có đồng ý hay không. Khi tôi ốm đau hay cần người trông hai đứa, cho dù bà bận thế nào cũng bắt taxi đến ngay lập tức. 

Đêm Giáng sinh, mẹ chồng con dâu uống say bí tỉ rồi bá vai bá cổ nhau hò hát, không có khoảng trên dưới, thực sự như bạn bè, mặc dù trong thâm tâm tôi luôn tôn trọng và yêu thương bà. 

Chuyện mẹ chồng nàng dâu muôn đời không hết. Ở gia đình tôi cũng vậy. Tôi thật hạnh phúc vì có bà là mẹ chồng tôi, một bà mẹ chồng thật khác lạ. 

Phan Hà Anh

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
 
Nội dung
 
Họ và tên
 
Email
 
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che