Cập nhật lúc:
5/5/2012 8:15:54 PM
Tình trạng cân thiếu đang trở lại, trong khi công tác giám sát, quản lý gần như bỏ ngỏ.
Bà Nguyễn Thu Hiền, ở quận Bình Thạnh - TPHCM, kể: Cách đây mấy hôm, bà đi chợ mua 1 con cá điêu hồng nặng 1,3 kg. “Thấy con cá nhỏ hơn bình thường, tôi ghé tiệm tạp hóa gần nhà nhờ cân thử thì chỉ còn 900 g. Tôi đi chợ hằng ngày mà còn bị lừa như vậy - không thể chấp nhận được” - bà Hiền bức xúc.
Gian lận công khai
Dạo quanh các chợ lẻ tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy tình trạng cân thiếu gần như công khai. Nhiều bà nội trợ phản ánh, mặc dù biết người bán cân thiếu cũng phải… chịu vì có thắc mắc, cự cãi cũng chỉ mất thời gian mà không được gì. Theo bà Trương Thúy Mẫn ở quận 1 - TPHCM, những người bán cùng một mặt hàng, ngồi gần nhau chỉnh cân giống nhau nên khách có nghi ngờ, nhờ những người bán hàng bên cạnh cân lại cũng như không. Cho nên, tốt nhất là “cạch mặt” những người bán hàng hay cân thiếu và mua trừ hao: cần 1 kg thì mua 1,2 - 1,3 kg.
Tình trạng cân thiếu phổ biến đến mức, ngay cả ban quản lý các chợ cũng thừa nhận 1 kg cân thiếu 200 - 300 g là bình thường. Theo một cán bộ ban quản lý chợ Hòa Hưng, quận 10, cân thiếu xảy ra nhiều nhất ở các mặt hàng tươi sống, rau củ vì người bán thường xuyên ngâm trong nước để giữ tươi lâu và làm tăng trọng lượng.
Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, cho biết cân thiếu thường xảy ra ở các chợ, nhất là khu vực bên ngoài không thuộc thẩm quyền quản lý của ban quản lý chợ. Nhiều trường hợp khách mua hàng bên ngoài chợ, bị cân thiếu quá trắng trợn, vào ban quản lý khiếu nại nhưng ban quản lý không thể giải quyết được.
Chúng tôi thắc mắc vì sao không bố trí cân đối chứng để khách tự kiểm tra, một số ban quản lý chợ trả lời rằng trước đây có đặt cân đối chứng nhưng ít ai dùng đến, lâu ngày cân gỉ sét, hư hỏng nên… cất vào kho cho trống chỗ.
Mua hàng ở lề đường, chợ tự phát dễ bị cân thiếu
Hàng đóng gói cũng thiếu
Hằng năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đều kiểm tra, giám sát cân tại các chợ và kiểm tra trọng lượng sản phẩm hàng hóa bày bán trong siêu thị. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, việc kiểm tra trên cũng chỉ mang tính hình thức, chưa xử phạt đến nơi đến chốn.
Việc kiểm tra chủ yếu xem cân của tiểu thương có dán tem kiểm định hay chưa chứ không kiểm tra cân đó có thiếu hay không. Riêng tại các siêu thị, khi kiểm tra đều có phát hiện hàng hóa bị thiếu trọng lượng. Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (TPHCM), xác nhận nhóm thực phẩm khô thường bị thiếu trọng lượng.
Giới chuyên môn cho biết thực phẩm đông lạnh là một trong những nhóm hàng hay bị ăn gian trọng lượng. Nhiều mặt hàng thủy sản được mạ băng rất dày, tích nước nhiều. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Agifish, tỉ lệ mạ băng của nhiều sản phẩm thủy sản lên đến 20%- 30%, tức 1 kg sản phẩm khi rã đông chỉ còn khoảng 700 g.
Với bánh kẹo, thực phẩm, nhà sản xuất thường ghi trọng lượng lập lờ, thay vì chỉ ghi trọng lượng tịnh (trọng lượng của sản phẩm) thì cộng cả trọng lương bao bì vào. Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, cho hay bánh kẹo đóng gói thiếu trọng lượng tràn lan, đặc biệt là các loại bánh kẹo nhập tiểu ngạch.
Chưa kể các cơ sở chế biến, sản xuất nhỏ cũng “ăn bớt” vài chục % trọng lượng sản phẩm so với trọng lượng ghi trên bao bì. Sức mua giảm, không thể tăng giá bán, nhiều doanh nghiệp “lách” bằng cách giảm trọng lượng nhưng giữ nguyên bao bì, giá bán.
Các bà nội trợ truyền tai nhau kinh nghiệm “sống chung” với cân thiếu: Hỏi giá món hàng cần mua trước khi cân để tránh tình trạng người bán chấp nhận bán giá thấp nhưng cân thiếu để... bù lại; mua hàng theo mớ (không cần cân); mang theo cân mini (loại bỏ túi, cân tối đa 2-5 kg) để cân đối chứng ngay tại chỗ khi mua hàng. |