Nguồn cung bị đe dọa
Giá bạch kim đã lên mức cao nhất 6 tuần hôm 17/8 sau vụ đụng độ giữa cảnh sát và các thợ mỏ Marikana thuộc công ty khai khoáng Lomin làm ít nhất 34 người chết và 78 người bị thương.
Cuộc đình công của hơn 3.000 công nhân lao động đã diễn ra từ hôm 10/8 nhằm yêu cầu ban lãnh đạo công ty Lonmin nâng lương cho công nhân thêm 4.000 rand lên 12.500 rand tức 976 Euro/tháng. Phía công ty này hiện vẫn chưa có giải quyết nào thỏa đáng và đó là nguyên nhân khiến cho đình công kéo dài.
Do đình công ở quy mô quá lớn, Lonmin - nhà sản xuất bạch kim lớn thứ ba thế giới - đã phải cho dừng hoạt động sản xuất tại mỏ Marikana, khiến cho sản lượng đã giảm sút ít nhất 15.000 ounce kể từ hôm 11/8 tới nay và đe dọa mục tiêu sản xuất 750.000 ounce trong cả năm của công ty này.
Được biết, sản lượng ở mỏ Marikana chiếm tới 96% tổng sản lượng bạch kim của Lonmin. Vụ đình công nhưng có nhiều người chết lần này khiến cho nhà đầu tư lo sợ và cổ phiếu của công ty cũng chịu áp lực giảm mạnh ở cả thị trường London (mất 5%) lẫn Johannesburg (-4%) trong ngày cuối tuần.
Không chỉ sự việc xảy ra ở Lonmin, các nhà sản xuất bạch kim khác tại Nam Phi cũng thường xuyên phải đối mặt với việc đình công của công nhân kéo dài. Nhưng giới quan sát cho rằng, vấn đề giờ đây sẽ khó giải quyết hơn trước kia bởi mọi chi phí đầu vào đều quá cao, trong khi giá mặt hàng này lại giảm liên tục (mất 20% trong vòng 1 năm qua) khiến cho họ dù muốn cũng không thể nâng mạnh thù lao cho người lao động. Nguồn cung bạch kim trong tương lai vì thế đang bị đe dọa.
Công nhân mỏ Marikana đang đình công (ảnh: Guardian)
Giá sẽ lên cao?
Dù giảm giá liên tục và để mất 20% giá trị trong 1 năm qua nhưng trong hai ngày 16 và 17/8 vừa qua, giá bạch kim trên thị trường thế giới tăng tổng cộng 80 ounce, tức hơn 5% và lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 7 tại 1.475 USD/ounce. Nhà đầu tư đang đổ xô mua vào kim loại quý này bởi kỳ vọng nguồn cung thắt chặt sẽ đẩy giá lên cao. Theo thống kê của sàn giao dịch Nymex, trong phiên 17/8 vừa qua, khối lượng giao dịch bạch kim kỳ hạn đã lên tới 15.895 hợp đồng (1 hợp đồng tương đương 100 ounce) – cao nhất kể từ ngày 29/1.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cung tại Nam Phi – nơi sản xuất tới 72% tổng sản lượng bạch kim toàn cầu – có thể khiến cho giá kim loại quý này leo thang trong thời gian tới.
Tuy nhiên cũng không ít người, trong đó có George Gero, phó chủ tịch công ty môi giới hàng hóa RBC Global Futures nhận xét rằng, nguồn cung bạch kim nhìn chung vẫn dồi dào so với nhu cầu, nên việc giá “sốt” ở thời điểm hiện tại chỉ là nhất thời và sẽ chấm dứt khi đình công ở Lonmin lắng xuống.
Gero chỉ ra rằng, sản lượng công nghiệp đang sụt giảm trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu – nơi cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa tìm thấy lối thoát - sẽ kìm hãm nhu cầu bạch kim. Thêm vào đó, bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ và có thể ập tới bất cứ lúc nào cũng sẽ làm cho triển vọng nhu cầu kim loại công nghiệp nói chung không sáng sủa.
Ngọc Toàn