Công ty thành "con nợ lớn", nông dân kéo nhau đi đòi
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 1073
Hôm qua: 3209
Tổng số: 8879403
 

 
 

Cập nhật lúc: 5/7/2014 7:29:41 AM
Dù đã tạm thời được chính quyền đứng ra hòa giải, nhưng nông dân vẫn đang âm thầm “phong tỏa” nhà kho, không cho công ty chở hàng đi bán.

Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhiều nông dân đã đến Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) để “nhắc” công ty này trả nợ tiền mía. Do đang lâm cảnh khó khăn nên công ty chưa giải quyết được.

Từ cuối tháng 4 đến nay sự việc trở nên căng thẳng, nông dân tập trung hàng trăm người kéo đến Cty BISUCO để đòi nợ.

Khó khăn dắt nợ

Có lẽ chưa năm nào ngành mía đường gặp nhiều khó khăn như năm nay, đường liên tục xuống giá, tiêu thụ khó khăn; trong khi đó các ngân hàng thương mại đều đóng hầu bao không cho vay nên hầu hết các nhà máy đường trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đều lâm cảnh khó khăn.

Công ty BISUCO không là ngoại lệ, do đó không có tiền thanh toán tiền mua mía của nông dân nên dẫn tới tình trạng hàng trăm nông dân tập trung về nhà máy để đòi nợ như đã nói trên.

Ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết: Vùng nguyên liệu mía của huyện Tây Sơn chiếm hơn 50% diện tích mía nguyên liệu của cả tỉnh Bình Định cung ứng cho BISUCO với hơn 1.500ha. Trong những năm qua, nhờ làm ăn suôn sẻ nên diện tích trồng mía trên địa bàn luôn tăng trưởng, nông dân rất gắn bó với nhà máy. Đặc biệt, người trồng mía ở đây chưa bao giờ lâm vào tình cảnh bị nhà máy nợ dài như năm nay.

“Tình hình mía đường năm nay tệ quá nên công ty bỗng trở thành con nợ lớn. Nhiều hộ bán mía đã lâu mà chưa được thanh toán tiền nên bức xúc, kéo nhau đến nhà máy đòi nợ gay gắt”, ông Sỹ nói.

Cũng theo ông Sỹ,sự việctrở nên nóng bỏng bắt đầu vào ngày 22/4. Chính quyền địa phương nắm được thông tin 40-50 nông dân chuẩn bị biểu ngữ kéo nhau vô nhà máy đòi nợ, liền huy động mọi lực lượng đến hiện trường để bảo vệ an ninh trật tự.

Ngày hôm ấy lãnh đạo BISUCO đứng ra cam kết với nông dân sẽ thanh toán hết nợ nần trong thời gian gần nhất.

Tuy nhiên, sau đó nông dân vẫn không thấy động tĩnh gì.

Suốt ngày 28 và sáng 29/4, hơn 200 nông dân lại kéo thẳng vào nhà máy 1 lần nữa để đòi nợ, lãnh đạo công ty đứng ra trực tiếp đối thoại với nông dân cụ thể về giải pháp trả nợ nên đã không xảy ra chuyện gì manh động. Đến 1 giờ chiều nông dân kéo nhau rời khỏi nhà máy.

Dù không ra mặt nhưng từ đó đến nay nông dân âm thầm “phong tỏa” kho đường của nhà máy, không cho BISUCO chở đường đi bán.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, ông Đỗ Văn Sỹ, cho biết: “Ngay chiều 29/4, UBND tỉnh Bình Định mở cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo BISUCO, lãnh đạo huyện Tây Sơn và các xã có vùng nguyên liệu mía lớn như Tây Giang, Tây Thuận.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định hứa sẽ bảo đảm an ninh trật tự cho công ty, đồng thời kiên quyết yêu cầu BISUCO phải nhanh chóng giải quyết nợ nần cho nông dân”.

Cam kết trả nợ

Ngoài gần 3.000 ha mía ở Bình Định, vùng nguyên liệu của BISUCO còn mở rộng lên phía An Khê (Gia Lai) với 6.000 ha nữa.

Theo báo cáo của BISUCO tại cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định vào chiều 29/4, số tiền công ty này đang nợ nông dân là 45 tỷ đồng, gồm cả nông dân Bình Định và Gia Lai, trong đó tại Bình Định là gần 10 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp nói trên, Chủ tịch HĐQT BISUCO ký cam kết với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về kế hoạch trả nợ như sau: Trong tổng số nợ 45 tỷ đồng, ngày 21/5 tới đây công ty sẽ chi trả 5 tỷ; đến 26/5 trả thêm 10 tỷ đồng và đến 29/5 sẽ trả tiếp 10 tỷ đồng nữa. Đến thời điểm này, khi đã có lại niềm tin, ắt nông dân không còn “phong tỏa” kho đường, công ty sẽ xuất bán đường tồn kho vào ngày 30/5, đến 31/5 công ty sẽ thanh toán tiếp 10 tỷ đồng; và đến ngày 27/6 sẽ thanh toán nốt 10 tỷ đồng còn lại.

Trước cam kết của BISUCO và sự kiên quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, nông dân tạm yên tâm nhưng vẫn mong ngóng đến ngày được trả nợ.

Đối với người nông dân, bao nhiêu chi phí trong cuộc sống đều trông cả vào tiền bán sản phẩm. Bây giờ, sản phẩm bán rồi mà chưa nhận được tiền, cuộc sống của họ lập tức đảo lộn.

Nông dân Nguyễn Hùng ở xóm 5B, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang (Tây Sơn), than thở: “Niên vụ này tui bán cho nhà máy 3 xe mía, 2 xe vào ngày 26 và 27/3, 1 xe vào ngày 13/4, tổng cộng 30 tấn mía cây đến nay chưa được thanh toán tiền. Niên vụ trước tui cũng bán cho nhà máy 26 tấn, chỉ 3-4 hôm là nhận được tiền ngay.

Gia đình tui làm 10 sào mía, vợ chồng già không còn sức lao động nên phải thuê mướn hết. Riêng công khai thác và vận chuyển 3 xe mía trong vụ này tui còn đang nợ người ta 6 triệu đồng tiền công. Tui mong nhanh được nhà máy thanh toán tiền bán mía để trả nợ tiền công và tiền vay ngân hàng cho con gái đi học đại học”.

Ở xóm 5B, không chỉ riêng ông Hùng mà hầu như cả xóm đều lâm cảnh tương tự.

Ví như hộ anh Bùi Quốc Việt (40 tuổi), niên vụ này thu hoạch được 48 tấn mía, hiện nhà máy còn đang nợ anh 20 tấn. Không chỉ vậy, do chưa được nhà máy thanh toán tiền nên những hộ thuê anh nhận công khai thác và vận chuyển mía lên xe hiện cũng đang còn nợ anh 40 triệu đồng nữa. Nhà máy nợ, chủ ruộng mía nợ, anh Việt đành nợ lại người anh thuê làm công!

 

Theo Vũ Đình Thung

Theo: www.cafef.vn

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che