Cước 3G làm nóng viễn thông 2013
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 2990
Hôm qua: 2264
Tổng số: 8883584
 

 
 

Cập nhật lúc: 12/26/2013 2:59:56 PM
Dịch vụ 3G thi nhau đội giá trong năm nay, có gói tăng tới 230% trong khi người tiêu dùng bắt đầu chán nản vì chất lượng thấp.

Năm 2013, giá dịch vụ Internet di động (3G) Việt Nam đã tăng 2 lần. Đợt thứ nhất diễn ra ngày 1/4 khi hai mạng Mobifone, Vinaphone tăng thêm 10.000 đồng vào gói 3G không hạn dung lượng, đưa giá lên mức 50.000 đồng mỗi tháng, Viettel không tăng nhưng gộp phí duy trì dịch vụ vào giá 3G nên cũng ngang mức này. Đến 16/10, lấy lý do đang bán dịch vụ dưới giá thành (hay lỗ) và được sự cho phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 "ông lớn" nắm vị trí thống lĩnh thị trường đồng loạt điều chỉnh cước, đưa giá 3G Việt Nam... "lên một tầm cao mới".

Trong số các gói điều chỉnh tăng, giảm hoặc thêm mới, gói 3G không giới hạn dung lượng được nhiều người quan tâm nhất do có lượng thuê bao sử dụng đông đảo. Theo cách tính mới, cước tăng giá từ 50.000 đồng mỗi tháng lên 70.000 đồng (40%), gấp đôi so với mức trung bình mà Cục Viễn thông đưa ra.

Người tiêu dùng quá tập trung vào gói dữ liệu cho điện thoại di động, ít ai nhận ra rằng mức tăng lớn nhất thuộc về gói 3G dành cho các thiết bị như máy tính bảng, USB (sim dữ liệu, không tích hợp tính năng thoại). Cụ thể, giá một MB dung lượng tăng từ 60 đồng lên 200 đồng. Bên cạnh đó, cách tính cước cũng thay đổi từ block 10KB+10KB lên thành 50KB+50KB (với phần lẻ dù chỉ 1KB cũng được tính tròn làm 50KB), giá từ 0,586 đồng mỗi 10KB lên 9,765 đồng cho 50KB. Với cách tính này, giá dịch vụ đã tăng khoảng 230%.

vien-thong-JPG.jpg

Cước 3G cho thiết bị USB tăng tới 230%. 

Dịch vụ 3G bắt đầu được đưa ra thị trường vào năm 2009 và trước năm nay các nhà mạng chỉ giảm cước hoặc khuyến mãi để thu hút khách. Nay, giá đi lên ai cũng nhìn thấy nhưng chất lượng dịch vụ vẫn còn "ảo". Doanh nghiệp luôn khẳng định chất lượng đạt hay thậm chí vượt tiêu chuẩn, nhưng lại không có được con số cụ thể nào để chứng minh điều mình nói. Ngay cả cơ quan chủ quản đến thời điểm này cũng chưa có được bộ tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng 3G. Trong khi đó, người dùng liên tục kêu ca về chất lượng đang ngày một kém đi, tốc độ đường truyền đi xuống rõ rệt. Điều này càng thấy rõ qua khảo sát của những đơn vị độc lập về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ.

Theo Nielsen Việt Nam, sự trung thành với mạng cũng như mức hài lòng của người dùng Việt đã đi xuống, năm sau thấp hơn năm trước. Tại Hà Nội, tỷ lệ người dùng hài lòng với 3G năm 2011 tới 80% đã giảm còn 66% vào năm 2012. Đà Nẵng giảm hơn 20% (từ 75% xuống còn 53%), đồng thời là thành phố có lượng khách hàng muốn rời mạng nhiều nhất (14%). Năm 2012, đa phần người dùng (92%) cho rằng tốc độ đường truyền quan trọng nhất đối với 3G nhưng chỉ có 55% hài lòng, giảm 9% so với 2011, người không hài lòng chiếm 26% và rất không hài lòng chiếm 19%.

Tỷ lệ này có thể còn thấp hơn nữa bởi tình trạng mạng chập chờn vẫn chưa được khắc phục. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trong một buổi họp cũng thẳng thắn thừa nhận 3G "có lúc tậm tịt". Một phần nguyên do là nhà mạng đã thực hiện việc bóp băng thông dịch vụ khi vượt quá dung lượng 3G ở tốc độ tối đa (600MB ở tốc độ 7,2Mbps-8Mbps) xuống còn 32Kbps. Theo một chuyên gia viễn thông, về lý thuyết tốc độ này chỉ bằng một nửa so với tiêu chuẩn của 2G (GSM-64Kbps) chứ chưa thể so được với 2,5G (GPRS-144Kbps), 2,75G (EDGE-384Kbps).

Với tốc độ này người dùng sẽ không thể tải được một trang web thông thường, chỉ đủ để nhận các thông báo như email, dịch vụ OTT... nhưng mở ra để đọc sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi thông tin được đính kèm các tệp dữ liệu. Thậm chí, kể cả khi chưa vượt quá dung lượng cho phép (600MB), thuê bao vẫn phải ấm ức vì tốc độ đường truyền quá kém. 

Tuyên bố cung cấp 3G tốc độ tối đa 7,2Mpbs nhưng doanh nghiệp không đề cập đến mức tối thiểu hay bất kỳ cam kết nào liên quan đến dịch vụ không đạt yêu cầu và họ như làm ngơ trước phản ánh từ người tiêu dùng. Nếu sử dụng chương trình đo đường truyền sẽ thấy ngay sự khác biệt giữa cam kết và thực tế. Tốc độ trung bình dưới 100Kbps, có khi chỉ đạt 60-70Kbps, chỉ bằng 1-1,4% của cam kết. Dù kết quả không phải là tuyệt đối (phụ thuộc khu vực khách đang ở, máy chủ để kiểm tra...) nhưng cũng phần nào phản ánh được chất lượng dịch vụ 3G mà mình đang phải trả tiền hàng tháng.

Theo giải thích của đại diện các doanh nghiệp viễn thông lớn, người sử dụng tăng gấp 5 năm chỉ sau một năm trong khi cơ sở hạ tầng vận vậy nên không đáp ứng được nhu cầu, chất lượng không như mong đợi là tất yếu. Vì lẽ đó, cộng thêm lý do đang bán dịch vụ lỗ, các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh tăng giá cước, vừa để bù lỗ vừa để tái đầu tư cơ sở hạ tầng với lời hứa sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên không ai nhắc đến việc thuê bao phát triển mạnh thì số tiền thu về hàng tháng cũng tăng theo.

Nhiều ý kiến cho rằng tăng cước vì lỗ, vì bán dưới giá thành chỉ là một cái cớ để nhà mạng bù đắp thiệt hại do dịch vụ nhắn tin, thoại qua Internet (OTT) gây ra. Công nghệ phát triển và không thể ngăn cản giúp OTT, với lợi thế không biên giới và miễn phí, ăn dần vào miếng bánh doanh thu các nhà mạng, đe dọa lợi nhuận. Một số nhà mạng trên thế giới đã có các bước đi riêng để cùng hợp tác, phát triển với OTT mà vẫn đảm bảo được lợi ích của đôi bên cũng như khách hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp viễn thông Việt giờ vẫn ỳ ạch chưa tìm ra được hướng đi chung.

song3g-5509-1387770185.jpg

Tốc độ 3G nhà mạng cam kết là 7,2Mbps nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng được như vậy. Ảnh: Anh Quân

Báo cáo của Cục Viễn thông cho thấy cả nước có khoảng 19 triệu thuê bao 3G (tổng 91,2 triệu thuê bao di động có phát sinh cước hiện nay). Đợt điều chỉnh ngày 16/10 ước tính gây ảnh hưởng tăng tới 8,7% người dùng di động. Đây được xem là nhóm đối tượng có thu nhập khá, sở hữu smartphone, máy tính bảng hoặc thiết bị di động hiện đại khác nên theo lãnh đạo Bộ mức độ ảnh hưởng không đáng kể, ít gây xáo trộn trên thị trường.

Đại diện Cục Viễn thông cũng nhận xét phương thức, mức độ điều chỉnh giá hợp lý, không gây tác động quá lớn mà lại đưa gái cước đến tiệm cận giá thành, đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh, phù hợp với chính sách. Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay giá 3G Việt Nam vẫn thấp hơn giá thành và mặt bằng chung của khu vực, thế giới nên tới đây còn phải xem xét lại và đại diện các nhà mạng cũng không loại trừ khả năng 2014 sẽ tiếp tục đưa giá lên cao hơn.

Trong khi cơ quan chủ quản khẳng định việc tăng giá đã dựa trên nhiều yếu tố và hoàn toàn hợp lý, thì Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng Cục Viễn thông giải thích chưa thỏa đáng về việc cho cả 3 mạng đồng loạt tăng cước, "như là luật sư bào chữa cho 3 nhà mạng". Theo VAFI, giải thích của Cục quá sơ sài, quá trình xét duyệt điều chỉnh đã bỏ qua công đoạn trực tiếp thẩm định giá, thay vào đó chỉ dựa trên báo cáo của doanh nghiệp.

Bộ ba Viettel-Mobifone-Vinaphone đều là những đơn vị mạnh, thuộc nhóm có thu nhập bình quân cao nhất trong các ngành kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Do đó VAFI cho rằng doanh nghiệp có kêu lỗ, phán quyết của Cục chậm trễ cũng không khiến nhóm này phá sản ngay hay phải dừng cung cấp dịch vụ.

Câu chuyện tăng cước đồng thời của 3 mạng lớn đã đặt ra câu hỏi liệu nhóm thống lĩnh thị trường có móc nối, bắt tay nhau để cùng chèn ép người tiêu dùng hay không. Tròn một tuần sau ngày tăng cước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh kiểm tra việc tăng cước 3G. Nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường vi phạm luật cạnh tranh thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hai tháng trôi qua, cơ quan chuyên trách vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vấn đề này. Trong lần đăng đàn trước Quốc hội hồi cuối tháng 11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết chưa thể khẳng định 3 doanh nghiệp cùng bắt tay nhau tăng giá. Về phía các doanh nghiệp, họ đều khẳng định mình làm vì lợi ích của người tiêu dùng, đã có tính toán sao cho hợp lý chứ nhất quyết không có chuyện bắt tay nhau để chèn ép khách hàng.

Trong khi người tiêu dùng đang bị thiệt vì giá dịch vụ không đi kèm với chất lượng, hai nhà mạng nhỏ còn lại ở Việt Nam xem đây là cơ hội để lấy tên tuổi. Một đơn vị khẳng định không tăng giá dịch vụ 3G và đang sở hữu mức cước hấp dẫn nhất thị trường hiện nay, doanh nghiệp còn lại thì cho biết dù chỉ cung cấp 2G nhưng cam kết khách không phải mua cái bực mình.

Anh Quân
Theo: www.vnexpress.net

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che