Chồng con nằm lại biển khơi sau thảm họa Chanchu, đồng nghĩa với việc mất đi lao động chính, những phụ nữ xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) phải bươn chải đủ nghề để nuôi con và bố mẹ già.
Giữa tháng 5, trong căn nhà nhỏ nằm ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, bà Nguyễn Thị Hoa đang dọn dẹp đồ đạc để chuẩn bị làm giỗ cho những người thân. Bà Hoa mất chồng và 3 người con sau chuyến đi biển gặp bão Chanchu.
Khẽ lau di ảnh những người con trai mất khi còn rất trẻ, người đàn bà 54 tuổi nói đã 10 năm nay nhà bà không còn tiếng cười. “Hơn một tuần nữa là đến ngày giỗ rồi, giỗ chung cho 4 cha con. Mới đó mà nhanh quá, nếu con còn sống chắc cũng đã có đứa bồng đứa bế rồi”, bà Hoa nói, lấy tay gạt nước mắt.
|
Bà Hoa nói rằng, ngôi nhà mình 10 năm nay không còn tiếng cười. Ảnh: Tiến Hùng.
|
Bà Hoa quê ở Gia Lai, lấy chồng về làng biển Bình Minh hơn 30 năm trước và sinh được 2 trai, 3 gái. Cũng như những đứa con quê vùng biển, 2 con trai của bà biết theo tàu, kiếm tiền từ nhỏ. Trong chuyến ra khơi định mệnh, ngoài chồng và hai con trai, còn có người con rể. “Nó là chồng đứa con gái đầu. Lúc đó vợ mới sinh con đầu lòng thì chồng mất”, bà Hoa kể và nói rằng sau cơn bão Chanchu, cả dòng tộc 3 đời nhà chồng chỉ còn phụ nữ, không có người nối dõi.
Nhiều ngày ngồi ở bờ biển chờ những con tàu chở thi thể về đất liền sau thảm họa, bà Hoa nhận được thông báo chỉ tìm thấy xác chồng, còn 3 người con mãi mãi nằm dưới biển lạnh. Chôn cất cho chồng được 2 ngày, gia đình mới hay tin đã nhận nhầm thi thể. “Hóa ra cái xác đã chôn cất là của một ngư dân ở huyện Duy Xuyên. Thi thể không còn nhận dạng được, lúc đưa vào bờ thì mảnh giấy ghi tên tuổi dán phía ngoài đã bị rời ra nên họ nhầm”, bà Hoa nhớ lại.
Một lần nữa, gia đình bà Hoa phải ra nhà xác ở Đà Nẵng mò mẫm tìm được đúng thi thể chồng về mai táng. Còn 3 người con không tìm thấy xác, bà đành làm mộ gió như những ngư dân xấu số khác, ngày ngày lo hương khói.
Sau đại tang, chưa kịp nén nỗi đau, bà Hoa lại gồng mình nuôi 2 người con gái đang tuổi ăn học. Để mưu sinh, bà mở quán bán mì nhỏ bên đường làng, kiếm lãi vài chục nghìn, sống qua ngày. “Lúc đó cũng có nhiều nhà từ thiện đến cho tiền, nhưng những bà mẹ có con mất tích đều vứt hết. Họ đau đớn, khóc lóc không tin con mình đã mất nên nhất quyết không chịu nhận sự giúp đỡ”, anh Trần Nuôi, một ngư dân sống sót sau thảm họa Chanchu nói.
|
Những xưởng cá được mở sau thảm họa Chanchu ở xã Bình Minh để giúp phụ nữ có công việc. Ảnh: Tiến Hùng.
|
Cách nhà bà Hoa không xa là căn nhà nhỏ kiêm luôn tiệm tạp hóa của bà Nguyễn Thị Huệ. Cơn bão lịch sử 10 năm trước đã cướp đi chồng và 2 người con trai của bà. Lúc đó, bà Huệ mới 43 tuổi, phải một mình tần tảo nuôi 4 con gái, trong đó con gái út chưa đầy 6 tuổi. “Đời tôi chẳng còn gì để mà vui nữa. Sống cũng chỉ vì trách nhiệm nuôi 4 đứa con thôi”, bà Huệ nói, giọng nghẹn đắng.
Người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ nói rằng không muốn nhắc đến hai chữ Chanchu. "Hãy để nó qua đi, dù vết thương đó sẽ chẳng bao giờ lành đối với người dân vùng biển này", bà Huệ nói.
“Không thể hình dung được cảnh tang thương và vất vả lúc đó. Có xóm mất đến hơn 30 người đàn ông cùng lúc, khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Trương Công Bảy, Phó chủ tịch xã Bình Minh nói và cho hay, thời điểm sau bão Chanchu cả xã có đến gần 80% là hộ nghèo và cận nghèo.
Chứng kiến nhiều phụ nữ mất chồng, lại không công ăn việc làm, chị Trần Thị Kim Vân quyết định lập xưởng cá. Nghe tin ở Vũng Tàu có nhiều cơ sở gia công cá bò, chị Vân tìm về tìm hiểu, sau đó thu mua cá về cho bà con chế biến. "Ở đây ruộng đất không có nên chẳng biết lấy gì để ăn. Nếu như không có việc làm, chắc chắn con cái sẽ nghỉ học, cuộc sống càng khốn khó. Đi nơi khác làm ăn thì con cái ai chăm sóc”, chị Vân lý giải chuyện mở xưởng cá cho phụ nữ cùng xã.
|
Phụ nữ phải trở thành trụ cột gia đình trong những ngôi nhà vắng đàn ông sau bão Chanchu. Ảnh: Tiến Hùng.
|
Gắn bó với xưởng cá của chị Vân nhiều năm qua, bà Trương Thị Uyển nói rằng, nhờ có công việc này mà gia đình tồn tại được đến hôm nay. Bà Uyển có chồng và con trai mất tích trong bão. Người em trai chồng cũng mất tích trên biển, để lại vợ và 3 đứa con nên không ai chung vai lo mẹ già, một mình bà gánh vác.
“Bình Minh toàn cát biển, chỉ có cỏ dại và xương rồng mọc nên không trồng được cây gì. Mỗi ngày làm việc ở xưởng cá của chị Vân, tôi cũng kiếm được 50-70 nghìn đồng. Số tiền ấy vừa đủ để nuôi mình và mẹ già”, bà Uyển nói. Sau xưởng cá của chị Vân, lần lượt các xưởng chế biến khác ra đời, giúp những phụ nữ nghèo có việc làm ổn định.
Theo Phó chủ tịch xã Bình Minh, đến nay cả xã có 10 xưởng chế biến cá tạo việc làm cho 450 lao động, chủ yếu là phụ nữ. "Cuộc sống ở Bình Minh đang dần hồi sinh. Bây giờ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 10%. Cả xã đã có hơn 150 tàu chuyên đánh bắt xa bờ", Bảy nói.
Chanchu là cơn bão đầu tiên vào biển Đông năm 2006. Do việc dự báo quá ngắn (chỉ trong 24 giờ) và chỉ chú trọng tới khu vực gần bờ mà hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở bắc biển Đông không kịp di chuyển khỏi tâm bão. Hậu quả 266 ngư dân thiệt mạng, trong đó chỉ 20 người tìm thấy thi thể. Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người. 20 gia đình có 2-3 người bị nạn.
Số tàu thuyền bị chìm là 13 (Đà Nẵng 7, Quảng Ngãi 5, Bình Định 1); số tàu thuyền mất tích là 5 tàu (Đà Nẵng 3, Quảng Nam 2).
|
Tiến Hùng