Ngày 8/8, TP Đà Nẵng bắt đầu vận hành đường dây nóng an toàn vệ sinh thực phẩm qua tổng đài 1022. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nêu trên từ 7h30 đến 21h các ngày trong tuần, sau 21h, các cuộc gọi được tự động ghi âm và xử lý vào đầu giờ sáng hôm sau.
Trước đó, Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác về an toàn thực phẩm để giúp việc Chủ tịch UBND TP trong lĩnh vực này.
|
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra cơ sở giết mổ trên địa bàn TP. Ảnh: PLO
|
Theo ông Phạm Trường Quốc Vương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin dịch vụ công TP Đà Nẵng, phản ánh của người dân thông qua đường dây nóng sẽ giúp Tổ công tác và các cơ quan liên quan nắm bắt thông tin kịp thời về các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Đà Nẵng. Ở chiều ngược lại, đường dây nóng sẽ cung cấp thông tin cho người dân về các chủ trương, quyết định của lãnh đạo thành phố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Gần đây, Đà Nẵng đã phát hiện, xử phạt nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, trong đó có vụ phát hiện 7 trong số 7 mẫu dưa muối đều bị nhiễm chất cấm có thể gây suy gan, suy thận vào đầu tháng 4.
Ngày 20/5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đột xuất kiểm tra chợ đầu mối, một số điểm giết mổ, chế biến, cung cấp thực phẩm vào lúc nửa đêm, và chỉ đạo các cơ quan chức năng "nỗ lực bằng mọi cách để người dân yên tâm với thực phẩm tiêu dùng hàng ngày".
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ người đứng đầu chính quyền các cấp, trang trại, lò mổ, cửa hàng, siêu thị phải chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm cả về hành chính và hình sự.
Nguyễn Đông