Phiên thảo luận về quyết toán chi ngân sách Nhà nước năm 2014 ngày 28/7 một lần nữa nóng lên khi các đại biểu bày tỏ sự bức xúc trước kỷ cương chưa nghiêm của ngân sách, nhất là việc chi tiêu "tiền trảm hậu tấu" của Chính phủ. Trong các kỳ họp khoá trước, không khí này cũng từng được ghi nhận cứ mỗi khi Quốc hội bàn về ngân sách, song cuối cùng các bản cân đối vẫn lần lượt được thông qua.
Ở kỳ này, theo báo cáo kiểm toán Nhà nước về ngân sách 2014, chi thường xuyên năm 2014 được Quốc hội duyệt dự toán là giao cho Chính phủ 704.400 tỷ đồng, nhưng quyết toán thực tế tăng 2,7%, tức hơn 723.000 tỷ đồng. Kiểm toán nhận thấy, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương được xem xét đều còn tình trạng chi không đúng tiến độ, tiêu chuẩn, định mức, sử dụng sai kinh phí, vượt dự toán được duyệt.
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc trước thực trạng nêu trên. “Thủ tướng nói Chính phủ đi đầu quản lý xe công hiệu quả, nhưng các Bộ ngành, rồi lãnh đạo nhiều địa phương toàn thấy đi xe 2.4 thậm chí 3.0. Tiền ở đâu? Kiểm toán phải vào cuộc làm rõ việc chi sai, sử dụng sai kinh phí tại các địa phương, bộ, ngành”, ông nói.
|
Đại biểu Ngô Văn Minh không đồng tình khi Chính phủ liên tục đặt Quốc hội vào thế "hợp thức hoá chi tiêu" với những khoản chi vượt dự toán. Ảnh: Giang Huy
|
“Phải chăng cứ đến tháng 8, tháng 9 là từng Bộ ngành ra trung ương bảo vệ kế hoạch. Khi về địa phương thì giao dự toán cao hơn. Đành rằng làm theo luật vượt thu là có thưởng, nhưng bất công với tỉnh nghèo vì họ muốn vượt cũng không được”, đại biểu Ngô Văn Minh băn khoăn và đề nghị phải xem xét lại cách làm dự toán.
Vị đại biểu này cũng tỏ thái độ không hài lòng khi một lần nữa Chính phủ đặt các đại biểu Quốc hội vào tình thế phải “hợp thức hoá chi tiêu” với đề nghị quyết toán ngân sách Nhà nước 2014 được đưa ra thảo luận.
Trước đó, theo tờ trình quyết toán ngân sách 2014 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, cơ quan điều hành đề nghị cho phép bổ sung dự toán và quyết toán ngân sách năm 2014 đối với số giải ngân vốn ODA vượt dự toán 26.169 tỷ đồng. Bộ trưởng Dũng giải thích, khoản vượt này chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông (6.630 tỷ đồng), thủy lợi (3.313 tỷ đồng) và các địa phương (9.365 tỷ đồng) nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
"Cơ chế giải ngân vốn ODA rất phức tạp, trình tự, thủ tục giải ngân mỗi nhà tài trợ có sự khác biệt nhất định. Do vậy, khó dự toán được đầy đủ, chính xác ngay từ đầu năm kế hoạch”, ông Dũng trần tình.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014, với tổng số thu hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chi gần 1.34 triệu tỷ, tương ứng bội chi 6,33% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng).
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cũng đồng ý với Chính phủ về việc cho phép bổ sung 26.169 tỷ đồng do giải ngân vốn ODA tăng vào dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2014.
Dù ý kiến của cơ quan thường trực Quốc hội chấp thuận đưa vào quyết toán ngân sách, nhưng đại biểu Ngô Văn Minh nói thẳng: “Tôi cho là không được. Làm như vậy chứng tỏ kỷ cương không nghiêm, không chấp hành pháp luật”.
Theo ông, những việc kiểu “tiền trảm hậu tấu” đã tái diễn nhiều lần, lần nào đưa ra Quốc hội, Chính phủ cũng giải trình và xin rút kinh nghiệm. “Năm ngoái khi biểu quyết quyết toán ngân sách Nhà nước 2013 cũng vậy, Chính phủ nói rút kinh nghiệm, nhưng nói bao nhiêu lần rồi có thấy thay đổi gì đâu. Rút kinh nghiệm đến bao giờ nữa?”, vị đại biểu tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi hướng về phía Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
“Giờ tôi đề nghị phải làm sao cho đúng luật, đúng tinh thần của Thủ tướng vừa nhậm chức: phải tiết kiệm sử dụng đúng mục đích, chắt chiu từng đồng thuế của người dân”, ông nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì đề xuất, Thủ tướng cần yêu cầu cơ quan công an, cảnh sát kinh tế vào cuộc điều tra những “địa chỉ” chi sai mà Kiểm toán Nhà nước nêu để làm gương.
"Trước nay, khi kiểm toán nêu như thế nào thì các đại biểu lại đồng ý thông qua, nhưng cứ tái diễn mà không có sự thay đổi nào. Nếu Quốc hội cứ đồng ý với báo cáo của Chính phủ, thông qua quyết toán và lần sau lại lặp lại vi phạm thì kỷ cương pháp luật sẽ không còn”, đại biểu Khánh nói.