Vượt qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt, anh Bùi Dương Thuật đã đưa đặc sản nổi tiếng của Bến Tre có mặt trên kệ hàng nước ngoài và được người tiêu dùng nước bạn đánh giá cao.
Là chủ một xưởng nước đá ở TP HCM kiêm thêm nghề môi giới ôtô cho những ai có nhu cầu, anh Bùi Dương Thuật, quận Tân Bình còn hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng tới thời điểm này, nghiệm lại chặng đường kinh doanh, anh nhận thấy câu chuyện xuất khẩu dừa mang lại nhiều dư vị cảm xúc nhất cho mình. Mỗi khi có đơn hàng, anh trở thành dân miệt vườn chính hiệu, tự tay chọn lựa từng trái dừa xiêm đáp ứng những tiêu chuẩn khắc khe của đối tác.
Cách đây một năm, một số bạn bè là Việt kiều Australia khi về nước thưởng thức qua dừa xiêm và khen mùi vị của hàng Việt ngon, đậm đà hơn nhiều so với dừa Thái vốn rất phổ biến ở xứ sở chuột túi. Ý tưởng mang loại đặc sản này miền Tây xuất ngoại chợt lóe lên trong đầu. Anh bắt đầu hành trình "hiểu" cặn kẽ về trái dừa, từ cách nhận diện độ tuổi, gáo mỏng hay dày, nước nhiều hay ít, độ mềm cứng của cơm dừa, hái thời điểm nào sẽ cho quả ngon nhất... và chỉ thu mua ở Bến Tre (nơi được mệnh danh xứ dừa nổi tiếng). Nhưng cái khó là làm sao đảm bảo độ tươi ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng của dừa xiêm Bến Tre khi nó nằm trên kệ hàng nước ngoài, sau hành trình dài sang nước bạn.
|
Dừa xiêm Bến Tre sau khi gọt vỏ đạt trọng lượng 0,9-1 kg mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: DT
|
Tháng 11/2012, anh mang 12 trái gửi đến một Viện nghiên cứu tại TP HCM thử nghiệm nhưng kết quả không khả quan.
Anh chưa nghĩ ra cách nào làm cho bề ngoài quả dừa vẫn giữ được màu trắng như khi mới bỏ đi lớp vỏ xanh mà không dùng tới hóa chất. Nhóm bạn Việt kiều khi nghe anh chia sẻ băn khoăn đã gợi mở công thức pha chế hợp chất để bảo quản màu sắc "tươi như mới hái" của dừa mà không gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của ngành y tế. Nhưng thử nghiệm này thất bại.
Anh quyết thử lần nữa, tìm một số chất có công dụng tương tự nằm trong danh mục được quốc tế công nhận. Khi xác định hợp chất phù hợp, anh thử 10 mẫu gồm 30 trái, đánh số thứ tự từ 1 đến 10. Kết quả khả quan khi hơn 40 ngày, quả dừa xiêm chưa thâm đen.
Được một người bạn công tác bên Australia đứng ra giới thiệu anh với doanh nghiệp chuyên nhập khẩu dừa nguyên trái từ các nước, anh liền xúc tiến thương mại giữa hai bên. "Cũng may tại thời điểm đó, đơn vị này cần mở rộng hoạt động và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dừa nên họ mới có ý định hợp tác với tôi", anh nhớ lại.
Công ty này cử chuyên gia sang Việt Nam để tận mắt thấy quá trình thu hoạch, bảo quản và chưa hứa hẹn gì nhiều. Họ yêu cầu phải đảm bảo quả dừa sau khi gọt vỏ có trọng lượng 0,9-1 kg, chọn loại độ tuổi 80 ngày là hái xuống, khi lắc không có tiếng kêu, cơm dừa đạt độ dày vừa ăn.
Sau chuyến thăm của đối tác, tuần nào anh cũng xuống Bến Tre vài ngày học thêm bí quyết chọn dừa không bị sâu, cách xử lý đối với dừa vừa thu hoạch xong. Do đề nghị nghiêm ngặt từ nước ngoài nên anh không mua dừa cũ từ ngày hôm trước mà chỉ chọn những quả mới hái từ trên cây.
|
Dừa xiêm xanh sau khi gọt vỏ sẽ dùng công nghệ bảo quản do phía Australia chuyển giao để hoàn tất quá trình sơ chế và xuất ngoại. Ảnh: D.T
|
Đến giữa tháng 4, phía Australia đề nghị gửi dừa mẫu để họ thử chất lượng. Sau nhiều ngày chờ đợi, họ lại muốn kiểm tra thêm mức độ bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lại thêm những ngày hy vọng. Cả tháng sau, đơn vị này thông báo chấp nhận hợp tác với anh, bởi "quả dừa xiêm xanh Việt có thể để 50-70 ngày vẫn có độ ngọt và ngon hơn dừa Thái Lan".
“Nhà nhập khẩu này làm việc với nhiều công ty Thái hơn 30 năm và đây là lần đầu tiên họ hợp tác với doanh nghiệp Việt. Tôi vui còn hơn khi môi giới xong một chiếc xe hơi hay nhận thêm hợp đồng nước đá", anh trải lòng.
Cuối tháng 6, phía Australia đặt thử một container gồm 870 thùng, mỗi thùng 9 trái, ước khoảng 7.830 quả dừa để thăm dò thị trường Australia. Sau khi nhận đơn đặt hàng, anh trực chiến ở Bến Tre suốt 5 ngày, làm việc từ 5h sáng đến 23h đêm để chính tay kiểm tra mọi công đoạn.
Sau khi phân loại cho ra hàng ngon nhất, bảo quản theo đúng công nghệ mà đối tác chuyển giao, anh đưa dừa vào nơi thoáng mát để làm khô, dùng quạt thổi vào mỗi vỉ (khoảng 200 trái). Khi trái vừa ráo nước là đóng bao bì ngay, nếu để quá khô, sản phẩm thô ráp, không đẹp mắt. Do chưa có cơ sở ở Bến Tre nên anh thuê ba phòng karaoke máy lạnh để trữ dừa ở nơi mát.
24 ngày hàng di chuyển trên biển là cũng bấy nhiêu ngày anh sốt ruột, lo lắng về lô hàng xuất ngoại đầu tiên. "Không còn gì vui hơn khi đối tác cho biết dừa xiêm Việt Nam bán hết vèo chỉ trong hai ngày. Một thành công vượt trên mong đợi của tôi", anh chia sẻ.
Mỗi trái dừa anh bán cho đối tác khoảng 23.000 đồng. Bán với giá này anh chẳng lời bao nhiêu bởi thu mua hàng "tuyển" từ thương lái hoặc nhà vườn đã là 12.000 đồng, chưa bao gồm các chi phí khác. "Tôi xác định quả dừa xiêm chỉ nhắm đến thị trường xuất khẩu vì người tiêu dùng trong nước không cần cầu kỳ mà thích chặt trái ra uống liền, không để lâu", anh nói.
Hiện tại, đối tác phía Australia làm cầu nối để công ty của anh có thể cung cấp quả dừa xiêm xanh cho hai chuỗi siêu thị lớn nhất nước này. Tuy nhiên, vì đây là các siêu thị hàng đầu nên ngoài những yêu cầu cơ bản, họ còn đòi hỏi nhà xuất khẩu đạt một số tiêu chuẩn như siêu sạch và sản phẩm hoàn toàn hữu cơ. Do đó, trở ngại của anh là quy hoạch vùng nguyên liệu, chứng minh xuất xứ nguồn gốc cây dừa không phải chăm bón bằng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu...
"Hoạt động xuất khẩu dừa chưa có lợi nhuận ổn định, nhưng tôi xác định việc kinh doanh này là lâu dài và sẽ còn phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm", anh chia sẻ. Anh đang tính cách mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm những đơn vị có thị trường xuất khẩu nhưng thiếu công nghệ bảo quản hoặc cá nhân, tổ chức cần tư vấn cách bảo quản xuất khẩu.
Theo anh, chỉ cần 2-3 đơn vị xuất khẩu quả dừa thường xuyên thì người trồng sẽ có thu nhập ổn định. Cứ 10 trái dừa, nhà vườn kiếm 50.000 đồng, tức một hecta thu 20 triệu đồng.
Mai Phương