Nếu muốn tạo cho mình một “thương hiệu” thuốc BVTV mang nhãn mác bằng chữ Việt, hoặc thậm chí tiếng Trung, tiếng Thái hay bất kỳ loại tiếng nước ngoài nào khác chỉ cần ngồi vào bàn tự thiết kế hoặc thuê người khác thiết kế giúp sau đó gửi mẫu qua Trung Quốc, chưa đầy nửa tháng sau sản phẩm thuốc BVTV đã có thể được giao tận tay người muốn sở hữu.
Sau một thời gian kinh doanh, kiếm lời bạc tỉ, nếu sản phẩm bị mất uy tín, thay vì đặt hàng đối tác bên Trung Quốc nghiên cứu ra một loại thuốc mới, các đại lý, công ty siêu nhỏ chỉ cần đổi bao bì, trang trí lại mẫu mã, nửa tháng sau đã lại có sản phẩm mới toanh, lại tha hồ đánh lừa người dân, tiếp tục kiếm lời.
Đáp ứng mọi yêu cầu
Không phải vô cớ mà người ta gọi thị trường thuốc BVTV như ma trận. Thật thật, giả giả đến mức cả người mua, người bán đều ngán ngẩm lắc đầu. Thế mới có chuyện tại Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và nhiều tỉnh khác, dân trồng rau kháo nhau về một loại thuốc trừ bọ nhảy bằng tiếng Trung rất hiệu quả, dân trồng vải tại Lục Ngạn - Bắc Giang (đặc biệt là các xã Quý Sơn, Tân Quang, Tân Mộc, Giáp Sơn, Chũ) có thể mua bán công khai một loại thuốc trừ bệnh sương mai bằng tiếng Thái Lan.
Đại lý bán lẻ kháo nhau rằng, muốn lấy bao nhiêu cứ liên hệ với anh Mười tại phố Kim - Lục Ngạn là có. Nông dân có hiểu gì đâu, thấy đại lý nói rằng đó là thuốc xịn nhập khẩu từ nước ngoài về thì cứ thế sử dụng, khi phun lại hỗn hợp với nhiều loại khác thành ra tốt xấu cũng chịu.
Trở lại chuyện sang bên kia biên giới. Như đã nói từ số báo trước, trong vai đại lý mới vào nghề chúng tôi tiếp cận một đơn vị cung ứng thuốc lậu tại Trung Quốc. Tôi bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng cho mình thương hiệu ăn nên làm ra trong làng thuốc BVTV và một loại thuốc BVTV riêng, thì phải thế nào?
Ông Trần Kim Quân - Giám đốc Cty TNHH thuốc Hồ Bắc SANONDA ở thị trấn Bằng Tường, giải đáp: “Bên anh cứ cung cấp yêu cầu về khối lượng, thể tích trong mỗi gói, mỗi chai, đồng thời anh muốn viết gì lên bao bì thì viết, thiết kế gì thì thiết kế, sau đó gửi qua cho chúng tôi in, chữ trên vỏ thuốc muốn là chữ Tàu hay chữ Việt, chữ Tây, chữ Thái đều làm được cả”. Muốn giống các thuốc đang bán ở Việt Nam cũng được, muốn khác cũng được.
Ông Trần và bà Tập đang bày cách phát triển đại lý thuốc BVTV cho PV
"Tốt nhất cùng một loại thuốc nên in với dăm bảy loại mẫu mã đẹp mắt khác nhau, tạo nên một sự đa dạng trong sập hàng, còn bên trong như nhau hết thôi, cứ biết đấy là những loại thuốc cực độc, hiệu quả tức thì. Mà tâm lý nông dân Việt Nam tôi lạ gì, cứ sâu chết nhanh là sướng, là mua, cần gì biết độc hay không độc, cơ quan quản lý có ai biết đâu mà sợ. Hàng chúng tôi xuất sang loại nào bán cũng chạy, cũng đắt khách, hàng bán thế tất yếu thương hiệu đại lý sẽ được nâng lên, củng cố và mở rộng", ông Trần mách. "Và cứ thế, để làm giàu, xây dựng một đại lý thuốc BVTV uy tín ở Việt Nam đâu có khó, bên chúng tôi đáp ứng được trọn gói mọi nhu cầu".
Không cần số lượng đặt hàng quá lớn. Tầm cỡ các đại lý hạng trung đặt vài chục thùng là có thể in được mẫu mã bao bì riêng rồi. Với các công ty Việt Nam bán hàng số lượng lớn cũng không có gì khác biệt nhiều, chỉ khác ở chỗ các công ty Trung Quốc có thể bán thuốc thành phẩm về Việt Nam để họ tự đóng gói. Abamectin, Emamectin, Chlopiryphos, Hecxaconazole… thuốc nào cũng có.
Hiện tượng trong nước có nhiều loại thuốc BVTV, có thành phần hóa học và công dụng hoàn toàn giống nhau, vỏ và ngôn ngữ thể hiện lại khác nhau là bởi thế. Đây chính là đáp án khi có không ít công ty bên Việt Nam sang đặt vấn đề chuyển ngữ, làm theo mẫu mã thiết kế sẵn từ tên thuốc cho đến thành phần hóa học và bán công khai trên thị trường Việt Nam.
Và không quá khó để làm những điều trên vì theo ông Trần, mọi việc không phải qua bất cứ cơ quan kiểm duyệt nào. Việc chuyển ngữ từ nhãn mác Trung Quốc sang Việt Nam hay thiết kế mới nhãn mác hoàn toàn không mất phí, không gặp phải bất cứ khó khăn gì, kể cả vấn đề về kiểm soát từ các cơ quan nhà nước. “Đơn giản thôi mà, có làm như thế chúng ta mới có được nhiều mặt hàng, bán được nhiều, kiếm nhiều tiền và xây dựng thương hiệu cửa hàng mới dễ dàng chứ”, ông Trần bày dạy.
Vỏ mới ruột cũ
Trong đại lý của ông Trần, còn một số lượng lớn thuốc tồn đọng, đó là những loại thuốc độc và kém hiệu quả mà hiện nay công ty Trung Quốc không được phép sản xuất và kinh doanh. Loại hàng tồn này, bán tống sang VN vừa dễ dàng lại hiệu quả. Cứ việc đóng ra nhiều loại bao bì khác nhau theo yêu cầu của các đại lý từ Việt Nam là có thể tiêu thụ ngon lành.
Cầm gói thuốc trên tay, một người tự giới thiệu kỹ sư nông nghiệp làm tại đại lý của ông Trần giải thích: Hôm nay phun loại này thấy không có tác dụng, người ta lại tìm đến loại thuốc khác. Không ai bỏ công sức đi nghiên cứu nhiều loại đến như vậy mà chỉ có cách là thay vỏ thuốc, thay bao bì, thể tích, dung lượng mới mong bán được hàng. Tính ra, có nhiều loại thuốc, tuy nhiên xét về thành phần hóa chất trong mỗi gói thuốc, các loại thuốc tưởng như khác nhau đó lại hoàn toàn giống nhau; đều thuốc cũ cả thôi. Như gian hàng của ông Trần có nhiều loại thuốc nhưng chai này chỉ là một dạng của những chai kia, bao bì, thể tích khác nhau nhưng công dụng, tác dụng thì giống nhau y hệt.
Những can thuốc BVTV đang chờ san sang chai nhỏ
Ví dụ loại thuốc diệt cỏ trong đại lý của ông Trần, chỉ có 17 loại phổ biến nhất. Thế nhưng, số lượng bao gói thì vô kể, gói to gói nhỏ, gói tím gói đỏ, bình to bình nhỏ... Tương tự hơn chục loại thuốc sâu trong gian hàng cũng vậy. Tính ra, chỉ có hơn bốn chục loại thuốc nhưng có tới vài ba trăm sản phẩm với các bao bì khác nhau. Và nếu như các đơn vị cung ứng bên Trung Quốc không thay đổi bao bì theo yêu cầu đối tác Việt Nam, trong vòng một hai vụ nông dân biết rồi, các đại lý, các công ty siêu nhỏ tại Việt Nam sẽ không thể bán được thuốc, lúc đó khách hàng sẽ bỏ đại lý, công ty của mình, tìm đến công ty khác, nên việc phải thiết kế, cập nhật mẫu mã thường xuyên là điều không thể ngừng.
Bà Tập Ngọc Hoa nói bồi thêm: “Đến như hàng lô lớn trong vòng một vài ngày người ta còn thay “áo mới” hoàn toàn được huống chi là nay sửa loại này tháng sau sửa loại khác. Làm thế mọi việc đơn giản, tiết kiệm hơn nhiều lần so với việc bỏ tiền, bỏ chi phí, thời gian để sản xuất loại thuốc mới”.
Ở Bằng Tường, thuốc BVTV giả nhiều hơn thật. Lái buôn, đại lý các công ty siêu nhỏ tại Việt Nam thì không trực tiếp sử dụng thuốc BVTV nên cứ thấy loại nào rẻ thì mua về bán kiếm lời. Còn nông dân cứ như lạc vào ma trận, không biết, không nhớ được trong bọc thuốc, túi thuốc mà đại lý đưa cho mình có những loại gì. Hôm nay mua bọc này về phun thấy không hiệu quả, kiểu gì mai cũng ra mua bọc khác về phun lại, cứ như thế ngày này qua ngày khác người nông dân bị quay như đèn cù trong mớ hỗn độn nào thuốc trừ bệnh, nào thuốc trừ cỏ, nào thuốc trừ sâu...
Trong tổng đại lý của ông Trần, có không ít loại thuốc BVTV đựng trong can 50 lít, có loại được san nhỏ vài chục ml, có loại đựng trong túi từ vài gram đến vài chục kg. Mỗi một loại, được dán một kiểu nhãn mác khác nhau với hình ảnh các con côn trùng trên hoa quả, các loại cỏ trên vườn rau, song không ai hiểu đó là thuốc chất lượng mới ra hay chỉ là một trong những loại thuốc đã bị thay vỏ.
Ông Trần muốn chúng tôi là khách hàng bền vững nên thẳng thắn chia sẻ hết. Hiện tại, ông đang có một số cửa hàng thuốc BVTV bên Việt Nam. Thông qua chúng tôi, ông muốn mở rộng thị trường thuốc BVTV của mình sang Việt Nam! "Nếu có thêm người quen muốn bán hàng, cứ giới thiệu qua đây tôi phục vụ hết", ông hứa.
Trước khi đi Trung Quốc, chúng tôi trò chuyện với một kỹ sư nông nghiệp, chuyên cung cấp thuốc BVTV ở vùng đồng bằng sông Hồng. Anh thật lòng rằng: Cái gì người ta còn hiểu cặn kẽ, chứ thuốc BVTV thì ai cũng chịu, đến như cánh đại lý chúng tôi đây còn chẳng biết thuốc độc như thế nào.
Chỉ biết, dân mình thấy sâu chết, cỏ chết nhanh là mua về dùng. Có nhiều loại thuốc giả có bao bì gần giống thuốc thật, mà nông dân có thói quen nhận dạng thuốc bằng mắt tức là nhìn bao màu xanh, màu tím, màu đỏ, hao hao với loại dùng lần trước là có thể mua được, dùng được. Đấy, đánh vào tâm lý đấy nên nhiều cá nhân dựng lên một số công ty rồi nhập thuốc bằng con đường chui về, làm nhái, tung ra thị trường như thuốc đã kiểm duyệt.
|
Theo Đường Nghĩa