Điều mà người dân mong chờ nhất là công bố về nguyên nhân cháy nổ xe vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, tại hội nghị Tổng kết thanh tra chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và xăng dầu năm 2012 tổ chức ngày 31.10, đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cho biết, nghi ngờ về chất lượng là có cơ sở, có tới hơn 70% trong số xe cháy có sử dụng dầu diesel.
“Theo thống kê, trong số 252 ô tô cháy, có tới hơn 70% là xe chạy bằng diesel. Cơ quan chuyên môn đang phải tăng cường kiểm tra chất lượng dầu diesel, trong đó lưu ý chỉ số lưu huỳnh vì nó ảnh hưởng đến nóng máy, hỏng bộ lọc dẫn đến rò rỉ xăng dầu, bốc cháy”, ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ KH-CN nói.
Hiện Bộ này vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân cháy nổ, tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu, đo lường đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng cháy nổ. Ông Dũng cho rằng, do tích cực hoạt động của cơ quan quản lý, thời gian gần đây tình trạng gian dối đã giảm, hiện tượng cháy nổ cũng giảm theo, không còn hiện tượng cháy nổ rộ lên như cuối năm 2011, đầu năm 2012.
Gần 50% vi phạm liên quan đến đo lường
Theo ông Trần Minh Dũng, kết quả thanh tra xăng dầu mới nhất cho thấy, sai phạm nhiều nhất liên quan đến đo lường. Trong tổng số 568 lượt hành vi vi phạm (HVVP), có 246 lượt HVVP về đo lường (chiếm 43,3%); vi phạm về sai số phương tiện đo là 170 lượt (chiếm 29,9%); vi phạm về kiểm định phương tiện đo là 63 lượt (chiếm 11,1%) và vi phạm về thay đổi tình trạng đo kỹ thuật của phương tiện đo là 13 lượt (chiếm 2,3%). Ngoài ra, vi phạm về chất lượng là 90 lượt (chiếm 15,8% HVVP về chất lượng).
Thanh tra Bộ KH-CN nhận định, hình thức và HVVP pháp luật về đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp trong kinh doanh xăng dầu rất đa dạng và có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Với HVVP về chất lượng, ông Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng cho hay chủ yếu là hành vi pha loại xăng có chỉ số octan thấp với xăng có trị số octan cao để bán, hưởng chênh lệch giá tiền.
Khó xử lý vi phạm
Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2012 còn phát hiện 13 lượt HVVP quy định làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo. Cụ thể là lắp thêm hoặc thay đổi các bộ điều khiển điện tử nhằm gian lận đo lường xăng dầu. Các vi phạm này được phát hiện rải rác trên khắp các tỉnh thành gồm: Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Thuận, Trà Vinh, Gia Lai, Hòa Bình, Ninh Thuận, Phú Yên... Loại HVVP này mặc dù được phát hiện với số lượng không lớn trong cuộc thanh tra năm nay, song cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian, công sức theo dõi và tác nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Trần Minh Dũng, việc lấy mẫu xăng dầu mang đi kiểm nghiệm rất tốn kém (mỗi mẫu 3 triệu đồng). Với 900 mẫu đã mang kiểm nghiệm, tổng số tiền đã lên tới 3 tỉ đồng. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, để chấm dứt những vấn đề nổi cộm trong kinh doanh xăng dầu là rất khó. Trong khi đó, lực lượng thanh tra lại không thể thanh tra được như công an. Nhất là ở khu vực ĐBSCL sông nước nhiều. Việc mua bán trên tàu thuyền, lưu động và hoạt động theo kiểu “du kích” nên cực kỳ khó theo dõi. Cứ làm chỗ này thì lại xuất hiện chỗ khác. Đối phó với tình trạng vi phạm rất khó khăn...
Theo Thu Hằng
Thanh niên