Chi phí giao hàng cao, dịch vụ chưa tốt đang khiến giá bán các sản phẩm trực tuyến không rẻ hơn so với kênh mua sắm truyền thống.
Từ một người ưa thích mua hàng online, ngại di chuyển đến các cửa hàng tìm mua đồ nhưng thời gian gần đây chị Lan, nhân viên văn phòng tại một công ty liên doanh nước ngoài luôn tranh thủ thời gian nghỉ trưa hoặc cuối tuần đi mua sắm.
“Mình mất hẳn niềm tin vào mua hàng trực tuyến. Tuần rồi mình sắm chiếc túi trên một trang bán hàng khá nổi tiếng, cứ nghĩ mua được giá rẻ vì họ khuyến mại giảm giá đến 20% ai ngờ hôm nọ gặp một người bạn cũng dùng túi y hệt mua tại cửa hàng trên phố với giá còn rẻ hơn giá mình mua ưu đãi trên mạng”, chị Lan kể. Đó còn chưa nói đến thời gian giao hàng chậm trễ có khi đặt mua xong mất cả vài ngày mới nhận được hàng, rồi muốn đổi hàng, tư vấn thông tin sản phẩm hoặc bảo hành… chẳng biết hỏi ai.
|
Chi phí chuyển phát cao khiến giá các sản phẩm trực tuyến chưa rẻ hơn so với mua sắm truyền thống. Ảnh: Thành Tâm
|
Thừa nhận lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề, trong đó khâu chuyển phát đang chi phối giá bán như trường hợp của chị Lan, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết nếu như kênh bán hàng truyền thống giá cả phụ thuộc chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến các điểm bán lẻ, thì bán hàng trực tuyến hiện nay chi phí phụ thuộc phần lớn vào khâu chuyển phát.
"Hay nói cách khác chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao khiến giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể với mua sắm truyền thống", bà Loan cho hay.
Theo bà Loan, về mặt tâm lý vẫn hiện vẫn chưa có sự tin cậy đáng kể giữa người tiêu dùng với người cung cấp hàng hóa lẫn dịch vụ chuyển phát. Đa số các nhân viên giao hàng đều chưa qua đào tạo cơ bản, tác phong thiếu chuyên nghiệp nên chưa thể thay mặt cho các nhà sản xuất hoặc các nhà cung cấp hàng hóa trên mạng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Lingo cho biết cước chuyển phát đang là điểm yếu của thương mại điện tử tại Việt Nam. Nếu như thời gian ra – vào của một sản phẩm hàng hóa không đảm bảo, khách hàng phải trả thêm một khoản cước thì chắc chắn giá bán trên kênh trực tuyến sẽ cao hơn rất nhiều với kênh truyền thống.
“Khách hàng khi mua hàng trực tuyến họ đòi hỏi sự phục vụ nhanh chóng, chuyên nghiệp. Đặc biêt khi họ mua hàng online bao giờ cũng mong muốn đó là mức giá cạnh tranh và thấp nhất trên thị trường. Vì vậy khi chất lượng sản phẩm, giá cả, giao hàng đều không như kỳ vọng sẽ khiến khách hàng chán nản”, Tổng giám đốc Lingo nói.
Nắm bắt được yêu cầu của lĩnh vực thương mại điện tử, thời gian qua Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết đã tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực chuyển phát.
Ông Hoàng Quốc Anh – Tổng giám đốc Viettel Post cho biết nếu như trước đây công việc của một bưu tá chỉ đơn thuần phát hàng đúng thời gian đúng địa chỉ là hoàn thành nhiệm vụ, thì nay phải là những nhân viên giao hàng chuyên nghiệp. Chính họ cũng là người chăm sóc tư vấn bán hàng cho người nhận…”, Tổng giám đốc Viettel Post cho hay.
Tuy nhiên theo lãnh đạo của Viettel Post, ngoài vẫn đề nhân lực các doanh nghiệp chuyển phát nên đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ để rút ngắn thời gian chuyển hàng hơn nữa, tiết kiệm chi phí cho khách hàng lẫn bản thân doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Lingo, ông Hà cho biết việc chuyển hàng từ công ty cung cấp sản phẩm đến đơn vị chuyển phát cần có sự kết nối theo quy trình công nghệ sẽ giảm thiểu tối đa thời gian giao hàng. Riêng với chi phí hàng hóa, mỗi doanh nghiệp nên có chiến lược phù hợp với điều kiện vốn có. Như tại Lingo với những đơn hàng từ 5 triệu đồng trở lên, đơn vị này sẽ trả chi phí chuyển phát.
“Tuy phần miễn phí này đang chiếm từ 8-10% doanh thu của doanh nghiệp nhưng đó cũng là cách để tạo niềm tin cho khách hàng vào doanh nghiệp thương mại điện tử”, ông Hà nhấn mạnh.
Một số ý kiến cũng cho rằng để chủ động hơn các doanh nghiệp thương mại điện tử nên có đội chuyển phát riêng, khi đó nhân viên giao hàng thực sự mới là một nhân viên tư vấn sản phẩm mà khách hàng cần.
Thành Tâm