Ngày 30/7, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam còn khẳng định tăng giá điện cần có lộ trình và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, đồng thời lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện.
Thế nhưng chỉ sau đúng 1 ngày, chiều hôm qua 31/7, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 01/8/2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh).
Lý giải cho động thái này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói rằng điều chỉnh giá bán điện là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 – 41% tùy từng loại than!
Dù rằng, việc điều chỉnh không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi. Tuy nhiên đó vẫn thực sự là một cú “sốc” đối với không ít người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Sim nhà ở Tân Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, gia đình chị chỉ có 3 người và mỗi tháng phải trả 300 – 400 nghìn đồng tiền điện. Nhưng đó là câu chuyện của những tháng trước đây. Khoảng 2 tháng trở lại đây, điện vẫn dùng như vậy nhưng tiền điện đã tăng gấp rưỡi mà không rõ nguyên do vì sao.
“Tôi thấy báo chí phản ánh, các hộ gia đình khác cũng kêu rất nhiều về giá điện tăng mạnh. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là do giá điện tăng nhưng không phải. Tháng này giá điện tăng nữa, không biết nhà tôi sẽ phải trả bao nhiêu tiền”, chị Sim nói và cho biết có thể sẽ phải tính đến việc sử dụng bếp than để thay cho gas và điện.
Chị Minh Châu vừa chuyển về sinh sống tại một khu căn hộ chung cư cao cấp ở Q.Hoàng Mai thì cho biết, giá điện tăng dù chỉ 5% nhưng cũng khiến chị rất lo lắng. Trước đây ở nhà riêng dưới mặt đất, mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng tiền điện, chuyển sang chung cư lại thêm phần nấu ăn phải dùng điện hoàn toàn theo yêu cầu của tòa nhà khiến chị rất lo lắng về khoản tiền điện sẽ phải trả trong tương lai.
Gas tăng giá lần thứ 3, sữa vẫn cứ tăng dần đều
Giá điện tăng đã khiến nhiều người lo lắng, nhưng lại thêm thất vọng vì giá một loạt các hàng hóa khác cũng đi theo.
Chiều hôm qua, các hãng kinh doanh gas cũng “nhanh tay” thông báo sẽ điều chỉnh giá bán lẻ gas thêm khoảng 8.000 đồng/bình loại 12kg – lần tăng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 6 tới nay. Hiện giá gas đến tay người tiêu dùng là từ 384 – 390 nghìn đồng/bình.
Giá gas tăng giảm đã trở thành câu chuyện thường xuyên hơn và được người dân ủng hộ hơn so với tất cả các hàng hóa tiêu dùng khác, vì doanh nghiệp gas có sự cạnh tranh mạnh và theo dõi rất sát với tình hình thế giới, điều chỉnh giá hàng tháng theo đúng lộ trình, có tăng, có giảm.
Thế nhưng với giá sữa thì khác hoàn toàn. Từ hồi tháng 3 năm nay, các hãng sữa đã rục rịch điều chỉnh tăng giá và cứ tăng hết đợt này đến đợt khác. Tổng cộng cho đến trước thời điểm ngày 31/7, nhiều hãng sữa đã tăng giá lên tới 8 – 20%. Và ngày hôm qua, thêm một loạt các công ty lại thông báo điều chỉnh tăng giá 5 - 20% nữa kể từ ngày hôm nay 1/8.
Chị Hằng ở Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chị có con gái 2 tuổi và mỗi tháng con chị phải uống 2 hộp sữa loại 900gr/hộp, chưa kể đến phần sữa nước mỗi tuần vài lốc.
“Mỗi lần đi ra hàng tạp hóa mua sữa cho con, tôi lại thấy nhân viên bán hàng nói sắp điều chỉnh giá. Bình thường tôi nghĩ giá tăng chắc chỉ một vài nghìn đồng thì không vấn đề gì, mình cũng không nên mua tích trữ. Nhưng nay thấy nói giá tăng 5 – 20%, tôi chắc chắn phải tích trữ vài thùng”, chị Hằng nói.
Gas, điện, sữa, xăng tăng giá rồi đến thực phẩm cũng được các doanh nghiệp nâng giá bán, khiến cho các siêu thị và cửa hàng phải tăng giá theo đang khiến người dân thực sự lo lắng. Bởi lẽ các hàng hóa thiết yếu này tăng chắc chắn kéo theo giá các dịch vụ khác khác tăng theo.
Một số chuyên gia cho rằng, việc giá hàng hóa tăng đồng loạt như vậy sẽ tác động đến nền kinh tế. Dù rằng vấn đề kiềm chế lạm phát hiện nay không quá quan trọng do CPI đã ở mức tương đối thấp chưa đến 7% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ nền kinh tế còn khó khăn, sức mua còn yếu, hàng tồn kho lại nhiều nên cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Phương Thảo