DN đã có hai lần điều chỉnh giá, một lần tăng và một lần giảm, trong đó lần tăng 400 đồng/lít vừa rồi là khá bất ngờ.
Đáng nói ở chỗ lần tăng giá vừa rồi được nói là do chi phí cao, DN vẫn lỗ và mấy hôm nay một số đơn vị đầu mối nhỏ lại rục rịch đòi tăng tiếp, như Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. Theo đại diện công ty này, họ sẽ có văn bản đăng ký giá với Bộ Tài chính và đề nghị được tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu 400-500 đồng/lít trong những ngày tới, theo đúng chu kỳ 10 ngày như quy định. Nguyên nhân được nói là đơn vị này vẫn chịu lỗ kể từ đợt tăng giá xăng dầu hôm 20-7.
Thật sự chi phí có tăng hay không, các cơ quan chức năng và các chuyên gia kinh tế sẽ có tính toán cụ thể. Tuy nhiên, như bản tin của Bloomberg, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore giao ngay những ngày vừa qua đã liên tục giảm, từ mức 118,15 đôla Mỹ/thùng vào ngày 20-7 đã xuống mức 113 đôla Mỹ/thùng vào 26-7.
Hơn thế, chỉ số CPI liên tục giảm những tháng gần đây cho thấy tiền đồng đang lên giá, các chi phí trong rổ CPI đều giảm, nên nói chi phí tăng là rất khó thuyết phục. Ai cũng biết trao cho DN được quyền quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá như Nghị định 84 là xu hướng tích cực, cũng là thông lệ của thế giới mà quá trình hội nhập Việt Nam không thể tránh được.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc “có lên, có xuống” trong các quyết định tăng giảm giá xăng dầu đòi hỏi rất nhiều điều kiện, không chỉ là sự thúc ép của Nhà nước, mà còn là sự đảm bảo tính cân bằng cũng như trọng lượng của các tiếng nói trong xã hội.
Cụ thể, với sự thống lĩnh thị trường (chiếm tới 60%) của Petrolimex thì việc quyết định tăng hay giảm giá xăng dầu của 10 DN đầu mối khác gần như lệ thuộc khá nhiều vào thái độ của “ông lớn” này, ông nói tăng thì tăng theo, với mức giá như nhau (dù chi phí kinh doanh khác nhau).
Trong khi đó ở các nước khác, với thị phần gần tương đương nhau, DN nhập khẩu chỉ chậm giảm giá vài giờ họ đã mất ngay đại lý cũng như khách hàng nên giữ người tiêu dùng là mục tiêu sống còn của DN.
Hơn thế, với sự hoạt động tích cực của các tổ chức xã hội khác liên quan như Hiệp hội Vận tải, Hội Bảo vệ người tiêu dùng... thì những động thái chây ỳ giảm giá hay tăng giá bất hợp lý đều được soi xét, chỉ trích mạnh mẽ, và Nhà nước sẽ can thiệp ngay bằng các thiết chế sẵn có như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng...
“Buông” khi để một DN vẫn giữ vị trí thống lĩnh, khi các tổ chức xã hội liên quan vẫn hoạt động cầm chừng thì xem như cơ chế quản lý giá xăng dầu vẫn là sự khập khiễng.
Theo Bằng Lĩnh
Pháp Luật