Bị ràng buộc phải công khai thông tin, đã vậy lại không thể huy động thêm vốn, nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Niêm yết trên sàn chứng khoán vốn là công cụ giúp công ty huy động vốn từ công chúng và cải thiện năng lực quản trị để tồn tại cùng thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang muốn tự hủy niêm yết do rào cản từ chính sách quản lý hoặc phải minh bạch thông tin.
Chia sẻ với VnExpress.net, lãnh đạo một doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết việc niêm yết đang gây cản trở cho các đối tác muốn đầu tư vào công ty. "Khi niêm yết, giá cổ phiếu của công ty sẽ được xác định rõ. Nếu nhà đầu tư chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao hơn, họ sẽ phải ghi nhận mức lỗ ngay từ đầu mà nhiều khi không muốn điều đó. Ngoài ra, họ cũng phải trả lời cổ đông tại sao mua cổ phiếu này với giá cao hơn thị trường", vị này nói.
|
Nhiều công ty có thêm cơ hội khi hủy niêm yết.
|
Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (Mã CK: ALP) mới đây xin hủy niêm yết do không đạt mục tiêu huy động vốn khi thị trường chứng khoán khó khăn. Không niêm yết cũng giúp công ty giảm áp lực công bố thông tin, chủ động hơn trong tái cấu trúc, tập trung phát triển cho mục tiêu và lợi ích dài hạn. "Nhiều phân tích, bình luận không chính xác trên thị trường đã khiến công ty mất nhiều cơ hội hợp tác với các quỹ nước ngoài", ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Alphanam nói.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã CK: MPC) đã thông qua kế hoạch rời sàn chứng khoán TP HCM do giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thật mà lại còn mất thêm chi phí công bố thông tin. Song, quan trọng hơn là việc rút niêm yết khiến Minh Phú có thể kêu gọi thêm đối tác chiến lược, đại diện công ty này nhận định.
Ngay trung tuần tháng 10, Minh Phú đã bán thành công 30% cổ phần của Công ty Chế biến Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang cho nhà đầu tư Nhật Bản Mitsui & Co. Theo đơn vị tư vấn, thương vụ này mang lại cho Minh Phú 400 tỷ đồng và khiến vốn điều lệ của Minh Phú - Hậu Giang tăng lên hơn 860 tỷ đồng, trở thành đơn vị chủ lực của tập đoàn.
Bên cạnh đó, có trường hợp phải hủy niêm yết là do bất cập trong chính sách. Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar năm 2010 có công văn xin mở thêm 4 cơ sở phân phối sản phẩm, tuy nhiên, đề nghị của công ty không được chấp thuận do có 4,7% vốn do nước ngoài nắm giữ. Theo quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối dược phẩm.
Sau hai năm chờ đợi mà không có diễn biến mới, đến tháng 7/2012, Mekophar quyết định hủy niêm yết nhằm tạo điều kiện chốt danh sách cổ đông nước ngoài, thương lượng mua lại toàn bộ số phần do đối tác nắm giữ. "HĐQT buộc phải tính chuyện hủy niêm yết để được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có bổ sung ngành nghề bán buôn, bán lẻ dược phẩm", Chủ tịch công ty cho hay.
Về việc này, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định việc xếp một công ty trở thành công ty nước ngoài bất kể tỷ lệ sở hữu bao nhiêu đang cản trở quá trình mua bán - sáp nhập (M&A). "Nhà đầu tư nước ngoài mua lại các công ty trong nước có quy mô ngành nghề rộng thường không suôn sẻ. Về nguyên tắc, các danh nghiệp có vốn nước ngoài trên 49% được đối xử tương tự các công ty trong nước, nhưng trên thực tế những quy định đó dường như bị phớt lờ, khiến nhà đầu tư khó hoàn tất một thương vụ M&A", EuroCham bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nhiều doanh nghiệp nếu cảm thấy niêm yết gây cản trở cho quá trình hoạt động thì nên hủy niêm yết tự nguyện. "Việc này sẽ có lợi cho công ty và cổ đông bởi sau đó công ty có thể bán cổ phiếu cho đối tác với giá cao hơn trên sàn và không bị ràng buộc về việc công bố thông tin". Song, những đơn vị này cũng cần có cam kết với số cổ phiếu cổ đông đang nắm giữ bởi sau khi rời sàn, tính thanh khoản sẽ giảm đi.
"Một là công ty sẽ mua lại chính số cổ phiếu đó hoặc tổng hợp cổ phiếu của cổ đông để bán cho đối tác chiến lược với giá tốt hơn", ông Hải nói.
Ở trường hợp Alphanam, công ty này cho biết sẽ mua lại tối đa 5% tổng số cổ phần đang lưu hành với giá không quá 10.000 đồng một cổ phiếu. Hiện Alphanam chỉ có 10% cổ phần đang lưu hành ở bên ngoài, tức không do cổ đông nội bộ nắm giữ với thị giá 3.500 đồng một cổ phiếu. Trong khi đó, lãnh đạo Minh Phú cho biết dù hủy niêm yết nhưng công ty sẽ vẫn công khai hoạt động kinh doanh cho cổ đông và nhân viên thông qua phần mềm quản lý hoạt động doanh nghiệp (SAP).