Thay vì giảm lãi và chịu lỗ như các năm trước, thì 2014, đa phần các doanh nghiệp trong nhóm đồ gỗ có lãi, thậm chí tăng gấp vài chục lần.
5 năm về trước ngành gỗ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ thiếu nguyên liệu đến các nguy cơ chống bán phá giá, kiện tụng... Cũng từ thời điểm đó, lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này, kể cả những ông lớn đã liên tục sụt giảm. Từ con số lợi nhuận trăm tỷ, có đơn vị giảm còn chưa đầy 10 tỷ đồng, thậm chí lỗ. Thế nhưng đến 2014, nhóm doanh nghiệp này tạo bất ngờ khi lợi nhuận quay đầu tăng mạnh.
Là đại gia chiếm thị phần lớn trong ngành gỗ, Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) báo lãi đột biến trong 2014. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của công ty này cho thấy, doanh thu 2014 giảm so với 2013, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đã quay đầu đi lên từ lỗ sang lãi và đạt 114 tỷ đồng, tăng 25 lần so với cùng kỳ. Nợ dài hạn và chi phí lãi vay cũng dần co hẹp. Để tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và bớt gánh nặng tài chính, công ty đang lên kế hoạch tiếp tục phát hành thêm 40 triệu cổ phiếu, giá 10.000 - 15.000 đồng một cổ phiếu.
|
Sức khỏe của doanh nghiệp gỗ đang dần phục hồi. Ảnh: TTXVN.
|
Giải thích về nguyên nhân lợi nhuận tăng đột biến, Trường Thành cho biết họ đã chủ động được nguồn vốn lưu động để phục vụ kịp thời hoạt động kinh doanh và sản xuất, dẫn đến doanh thu quý IV tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo đó, doanh nghiệp đã chủ động lựa chọn một số khách hàng có biên lợi nhuận tốt giúp công ty giảm được chi phí phát sinh và tạo lãi lớn. Ngoài ra, áp lực nợ vay ngắn hạn đã dần được gỡ bỏ khi công ty bán được gần 900 tỷ đồng cho Công ty Mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC).
Cũng có lãi tăng đột biến so với thời kỳ trước là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG). Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014 của công ty cho thấy, cả năm đạt 1.005 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 55,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 25,5% và 32 lần so với 2013. Theo đó, doanh thu tài chính của công ty cũng tăng 23%, đạt 80,7 tỷ đồng. Đây là năm mà doanh nghiệp đạt mức lãi cao nhất trong suốt 5 năm qua.
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận tăng đột biến là do doanh thu tăng, cộng với ảnh hưởng của thay đổi cơ cấu ngành nghề kinh doanh. Công ty đã tập trung nguồn lực và tái cơ cấu tập trung cho những nhóm ngành trọng yếu.
Để đẩy mạnh hơn nữa trong hoạt động kinh doanh, mới đây Đức Long Gia Lai đã phát hành riêng lẻ thành công 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Ngoài ra, công ty cũng đang lên kế hoạch lấn sân sang điện tử - viễn thông bằng cách phát hành 20,4 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu Mass Noble tỷ lệ 1:1,42 nhằm triển khai chiến lược trở thành tập đoàn đa ngành.
Không tăng ngoạn mục như 2 công ty trên, nhưng phần lớn các công ty có quy mô vốn nhỏ trên thị trường cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu và lợi nhuận của nhóm này tăng từ 10 đến 100%. Tăng mạnh nhất trong nhóm là Công ty cổ phần Nam Việt (Mã CK: NAV) cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Theo đó, cả năm, công ty đạt 208 tỷ đồng doanh thu và 7,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12% và 102% so với 2013. Hay Công ty cổ phần gỗ Đức Thành (Mã CK: GDT), doanh thu 2014 đạt 265 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2013, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng tới 47%...
Nhìn nhận về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên, ông Mai Vũ Thảo, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Ocean cho biết, mặc dù các doanh nghiệp gỗ có lãi 2014 tăng đột biến so với cùng kỳ 2013, nhưng thực sự sức khỏe của các doanh nghiệp ngành này vẫn đang còn gượng gạo. Kết quả kinh doanh lỗ lũy kế, hàng tồn kho của các năm trước trong doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này vẫn còn cao.
Ngoài ra, tại một số công ty khác, điển hình như Đức Long Gia Lai, khoản lợi nhuận có được từ hoạt động sản xuất mua bán gỗ đang ngày càng thu hẹp. Đơn vị này khai thác đá, làm đường giao thông, bến xe nhiều hơn nên khoản lãi của công ty cũng đã cải thiện hơn so với những năm trước.
Công nhận về sức bật của thị trường gỗ trong 2014 với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với 2013. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho rằng, mức tăng trưởng trên chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.
Dự báo về sức khỏe của doanh nghiệp cũng như thị trường này thời gian tới, theo ông Hạnh, hoạt động kinh doanh của các công ty gỗ sẽ khả quan hơn, bởi lẽ, chỉ mới 3 tháng đầu năm nhưng đơn hàng nhận được đã tăng và tốt hơn so với cùng kỳ, thị trường trong nước cũng dần phục hồi.
Hiện, nền kinh tế của các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Anh đang ấm dần. Nếu như các quốc gia trên vẫn có mức tăng trưởng GDP tốt trong năm tới, cộng với những ưu đãi chính sách sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa ngành chế biến gỗ trở thành một trong 10 ngành trọng điểm tới năm 2020 thì dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2015 sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng với mục tiêu đạt 7 tỷ USD.
Hồng Châu