Trước thềm vụ ép 2012-2013, dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 8 sắp tới, Hiệp hội mía đường cho biết đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan xem xét đến cơ chế đấu thầu đối với đường nhập khẩu.
Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết hiệp hội đang có kiến nghị trong năm tới sẽ không cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu đường cho từng doanh nghiệp, thay vào đó sẽ đấu thầu số lượng đường dự tính nhập khẩu.
Cơ chế này được thực hiện dựa trên việc bỏ thầu của doanh nghiệp trên các lô đường Chính phủ cho phép nhập về dựa trên cân đối cung cầu.
Doanh nghiệp nào bỏ thầu với giá tốt nhất đương nhiên sẽ trúng thầu. Theo ông Hải, cơ chế này sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch mà vẫn thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp thay cho cơ chế “xin – cho” đối với quota nhập khẩu như hiện nay.
“Việc đấu thầu này sẽ hạn chế cơ chế xin cho mập mờ như hiện nay. Cơ chế xin cho cũng tạo ra nhiều thông tin không rõ ràng dẫn tới mâu thuẫn trong nội bộ ngành”, ông Hải nói.
Vừa qua Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đề nghị Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu 100.000 tấn đường. Việc cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp này vẫn đang được các bộ ngành liên quan xem xét.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 4-7 nhà máy đường Tuy Hòa là nhà máy cuối cùng dừng sản xuất, kết thúc vụ ép 2011-2012. Tổng kết toàn vụ, các nhà máy đã ép được gần 14,5 triệu tấn mía, sản xuất được khoảng 1,3 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 2,15 triệu tấn, lượng đường sản xuất tăng 160.000 tấn.
Trong khi đó, lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15-7 vào khoảng 240.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 54.000 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra là 74.100 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 tấn. Giá bán đường đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước vẫn giữ như tháng trước, phổ biến ở mức 16.200 đến 16.500 đồng/kg.
Theo Phạm Thái
TBKTSG