Trong buổi điều trần cuối cùng về vụ kiện tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ngày 14/8, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng trên.
Phiên điều trần tại Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) đóng vai trò quyết định đối với việc áp dụng mức thuế chống trợ cấp mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố trước đó một ngày đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và 4 bị đơn còn lại là: Ecuador, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc.
Nếu ITC xác nhận các doanh nghiệp Hoa Kỳ bị thiệt hại do trợ cấp từ chính phủ của các nước bị đơn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ban hành lệnh về thuế chống trợ cấp, dự kiến công bố vào ngày 3/10/2013. Trong trường hợp ITC quyết định rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ không bị thiệt hại về vật chất hoặc bị đe dọa thiệt hại về vật chất, vụ kiện sẽ chấm dứt hoàn toàn và các mức thuế nêu trên sẽ bị bãi bỏ.
Tại phiên điều trần, đại diện của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ cáo buộc rằng trợ cấp chính phủ đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa tôm nhập khẩu và tôm khai thác tự nhiên, gây thiệt hại lớn đối với ngành tôm Hoa Kỳ.
Phía nguyên đơn cho rằng áp thuế chống trợ cấp là biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp khai thác, chế biến và tiêu thụ tôm trong nước. Tuy nhiên, lập luận này đã bị chính các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối tôm cũng như chuyên gia kinh tế Mỹ phản bác.
Eric Buckner, Giám đốc phụ trách thủy sản của tập đoàn Sysco cho biết, là một trong những nhà phân phối tôm lớn nhất nước Mỹ, Sysco phân loại rõ ràng các mặt hàng tôm nhập khẩu và tôm khai thác tự nhiên cũng như xuất xứ của từng loại.
Ông Buckner khẳng định, tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau và do vậy không thể cạnh tranh với nhau.
Chia sẻ quan điểm trên, Guy Pizzuti, Giám đốc phụ trách thủy sản của Publix Super Markets, 1 trong 10 chuỗi siêu thị lớn nhất Hoa Kỳ cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau. Công ty chúng tôi có kế hoạch tiếp thị và tiêu thụ khác nhau cho từng mặt hàng trên. Ngay cả các nhà cung cấp của chúng tôi cũng không có hiện tượng cạnh tranh chéo. Các nhà cung cấp tôm nhập khẩu cạnh tranh với nhau và các nhà cung cấp tôm khai thác cũng vậy. Tôm nuôi có những ưu điểm mà tôm khai thác không thể có như sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều và đảm bảo thời hạn giao hàng”.
Phó Chủ tịch công ty nhập khẩu thủy sản Censea, Jeff Stern cho biết, công ty này nhập rất ít tôm khai thác trong nước vì các nhà cung cấp không thể đảm bảo số lượng cũng như chất lượng theo yêu cầu.
Theo ông Stern, việc đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cũng như kích cỡ đồng đều của sản phẩm là điều tối quan trọng đối với khách hàng và điều này vượt quá khả năng của các nhà cung cấp trong nước. Nguồn cung suy giảm do dịch bệnh tại một số nước xuất khẩu tôm vào Mỹ đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Censea, khiến công ty mất nhiều khách hàng cũng như cơ hội mớ rộng kinh doanh.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng khiến Hoa Kỳ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu tôm nữa và kết quả là người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Ông Stern nói: “Chúng tôi rất lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tôm ngày càng tăng tại Châu Á, nhất là Trung Quốc, khiến chúng tôi gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn cung. Kinh tế phát triển, các nước sẽ tiêu thụ nhiều thủy sản hơn và các nhà xuất khẩu cũng thu được lợi nhuận không kém tại Mỹ. Nhu cầu bên ngoài tăng sẽ khiến xuất khẩu vào Mỹ sụt giảm, đẩy giá thành sản phẩm tăng vọt”.
Chuyên gia James Dougan thuộc công ty tư vấn kinh tế Economic Consulting Services trích dẫn các thống kê cho thấy trong 3 năm qua, sản lượng và thị phần của ngành công nghiệp tôm Hoa Kỳ luôn ổn định, trong khi mức tiêu thụ tôm của người Mỹ không suy giảm. Hơn nữa, phần lớn giá thành sản phẩm của các công ty Mỹ đều tăng ở mức 2 con số, lượng nhân công, số giờ làm việc cũng như tiền công lao động đều tăng từ 3,5% đến 10%. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp đánh bắt thủy sản Mỹ còn được nhận khoản bồi thường hơn 100 triệu USD sau sự cố tràn dầu của hãng BP tại vùng vịnh vào năm 2010.
Luật sư Matthew Nicely thuộc công ty luật Hughes Hubbard & Reed nhận định về kết quả vụ kiện: “Tôi cho rằng cơ hội thắng kiện của Việt Nam và các nước bị đơn khác là rất lớn vì 2 lý do sau. Thứ nhất, tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp tôm Hoa Kỳ đang khá thuận lợi vào thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp trong nước cho rằng lợi nhuận của họ hiện rất thấp, chưa tới 1% nhưng trên thực tế thì họ đang làm ăn còn tốt hơn trước, một phần nhờ khoản tiền bồi thường lớn của BP.
Với thực tế trên, tôi cho rằng ngành tôm của Hoa Kỳ không thiệt hại chút nào. Điểm thứ 2 và vô cùng quan trọng là giá tôm nhập khẩu đã giảm trong khoảng thời gian từ năm 2010 cho đến 2012 trong khi tôm khai thác nội địa lại tăng cả về giá thành lẫn sản lượng. Do vậy, giả sử như ngành tôm của Hoa Kỳ bị thiệt hại thì tôi cho rằng tôm nhập khẩu cũng không phải là nguyên nhân”.
Theo ông Nicely, vấn đề tồn tại từ lâu nay của ngành tôm Hoa Kỳ là không tìm được phương cách tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, tức là không thể thuyết phục khách hàng về sự khác biệt của tôm đánh bắt tự nhiên để khẳng định vì sao mặt hàng này lại xứng đáng với giá bán cao.
Trước đó, trang web của Hiệp hội Thủy sản Mỹ cũng cho rằng ngành công nghiệp tôm nội địa cần tìm giải pháp lâu dài để duy trì sức cạnh tranh thay vì kêu gọi chính phủ áp thuế chống phá giá hoặc chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu.
Theo quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, công ty Thuỷ sản Minh Quí của Việt Nam, một trong 2 bị đơn bắt buộc sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp 7,88%, trong khi thuế suất đối với bị đơn còn lại là công ty Thuỷ sản Nha Trang sẽ là 1,15%. Thuế suất toàn quốc đối với các công ty xuất khẩu khác của Việt Nam sẽ ở mức 4,52%. Mức thuế đối với 4 nước bị đơn còn lại cũng rất cao, dao động từ 10,54% đến 54,5%./.
Theo Nhật Quỳnh