Mưa không đủ thấm
Thời điểm này mọi năm, những cánh đồng mía tại huyện M’Đrăk và Ea Kar của tỉnh Đăk Lăk đã lên cao được gần 2m, xanh bạt ngàn. Còn năm nay hạnhán nhiều ngàykhiến cây mía thấp lè tè, chưa vươn lóng, lá ra đến đâu bị khô quắt lại tới đó.
Đang hì hục đào giếng để lấy nước sinh hoạt, ông Trần Tiến Duẩn, thôn Ê Tê, xã Krông Jing, huyện M’Đrăk gặp chúng tôi mặt méo xẹo: "Đói to rồi chú ạ! Tôi từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp đã mấy chục năm chưa bao giờ gặp cảnh đại hạn như thế này.
Đã cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa được hơn 3 tháng mà mưa chẳng thấy đâu, nước trên ao hồ cạn kiệt thậm chí cái giếng khơi cũng cạn. Nhà tôi có hơn sào lúa gieo được hơn một tháng thì bị cháy khô. Cuộc sống chỉ còn nhìn vào hơn 1 ha mía, thế nhưngcây cũngdần chết khô".
Ngày này năm ngoái, mía của ông Duẩn đã tốt quá đầu người, nhưng hơn 3 tháng nay hầu như không sinh trưởng được, thấp lè tè ngang bụng, lá xơ xác khô, những cây đã vươn lóng thì ngọn bị gãy gục.
Ông Duẩn cho biết: "Thi thoảng cũng có trận mưa nhưng không đủ ướt đất khiến mía bị xót cây, càng nhanh chết. Bây giờ mưa xuống cũng không thể lên được vì cây bị kiệt sức. Những vụ trước nhờ thời tiết thuận lợi nên mỗi vụ nhà tôi thu được khoảng 70 tấn mía nguyên liệu, còn vụ này chắc chắn không quá 20 tấn, cầm chắc lỗ nặng".
Ngược lên các xã Ea Tyh, Ea Sô, Ea Knốp... những địa phương trồng nhiều mía nhất của huyện Ea Kar, mía cũng đồng loạt chết khô vì thiếu nước. Anh Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Ea Kar cho biết: Cùng với cây sắn, mía là cây chịu hạn cực tốt, tuy nhiên khô hạn gần 3 tháng qua đã làm cho cây còi cọc không phát triển được. Mặc dù không bị chết trắng, song năng suất mía vụ này chắc chắn giảm khoảng 30%. Với diện tích cây mía trong toàn huyện là 5.000 ha thì thiệt hại lên tới trên 70 tỷ đồng.
Đã mất mùa, chi phí lại tăng
Không chỉ ở Đăk Lăk, nhiều diện tích mía ở các tỉnh Nam Trung bộ cũng đồng loạt úa vàng, teo tóp không phát triển được. Tại đồng mía Bỏ Quạ đã gần trưa nhưng chị Hoàng Thị Hiền, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang tranh thủ bón phân đợt 3 cho 2 ha, lá mía ngả sang màu đỏ quạch, ngọn bị gãy gục khá nhiều.
Chị Hiền cho biết: May quá hôm trước có trận mưa giông nên tôi tranh thủ bón phân thúc cho cây hồi phục. Từ ngày làm mía chưa bao giờ gặp cảnh gió tây nam liên tục thổi trong tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua khiến mía khô quắt lại. Bằng giờ này năm ngoái, mía đã cao gần 2 m, cây từ 9-10 đốt, còn năm nay vẫn chưa phát triển lóng, cả ruộng chỉ phát triển được 4-5 lóng, những cây gãy gục ngọn gần như không có thu hoạch.
Gần đó, ruộng mía 4ha nhà anh Ngô Quý Công tại xứ đồng Suối Nam, xã Ninh Tây cũng lâm vào thảm cảnh bởi nắng hạn kéo dài.
Năm nay mía không phát triển được nên phải tiếp tục bón phân đợt 3, vì vậy chi phí đầu tư tăng lên rất nhiều. Mỗi vụ phải bón phân 2 lần, theo đó mỗi ha hết 1,2 tấn NPK, giá hiện tại là 12 triệu đồng/tấn. Năm nay phải bón thêm đợt 3 nên chi phí phân bón cho mỗi ha tăng thêm 6-7 triệu đồng, giá công thu hoạch cũng tăng chóng mặt...
Anh Thái Tiến Dũng, Trưởng phòng Nguyên liệu (Cty CP Đường Ninh Hòa):
Năm nay thời tiết bất lợi, suốt từ tháng 6 đến nay mía ngừng sinh trưởng, nhiều diện tích bị cháy, chết từng chòm. Vừa qua đã có mưa dông nên chúng tôi khuyến cáo bà con tiếp tục bón phân đợt 3 để cây phục hồi sinh trưởng. Cty đang thống kê diện tích bị thiệt hại để xem xét giãn nợ, tái đầu tư cho người dân. Niên vụ mía năm nay chắc chắn năng suất, chữ đường sẽ thấp hơn mọi năm.
|
Theo Ngọc Khanh
Nông nghiệp VN