“Minh oan” cho cam sành
Gần đây, trên một số báo, đài thông tin cam sành ở ĐBSCL rớt giá mạnh do có tin đồn đây là cam Trung Quốc, tuy nhiên, qua trao đổi với TBKTSG Online nhiều nhà chuyên môn khẳng định đây chỉ là thông tin thất thiệt nhằm “bôi nhọ” hình ảnh trái cam sành ở ĐBSCL.
Ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long khẳng định: “Làm gì có chuyện cam sành ở ĐBSCL là cam Trung Quốc được. Rất dễ phân biệt khi xét về hình dáng bên ngoài, cam sành Trung Quốc khi chín vỏ có màu vàng và nhẵn mịn, trong khi đó, cam sành ở ĐBSCL khi chín vỏ trái vẫn có màu xanh và sần sùi”.
“Một điểm nhận biết giữa cam sành Trung Quốc và cam sành ở ĐBSCL đó là cam Trung Quốc không có hạt, còn cam sành ở ĐBSCL có hạt”, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết cam của Trung Quốc được trồng ở vùng ôn đới còn cam sành ở ĐBSCL được trồng ở vùng nhiệt đới vì vậy xét về hình dáng, màu sắc nó hoàn toàn khác nhau.
“Vỏ cam Trung Quốc chín có màu vàng hoặc cam, trái nhẵn mịn, còn cam sành ĐBSCL khi chín vỏ có màu xanh, sần sùi. Nếu có nhầm lẫn chỉ có thể nhầm lẫn giữa cam Trung Quốc với cam sành được trồng ở vùng Tây Bắc thôi vì màu sắc trái hai loại này tương đối giống nhau”, ông Châu cho biết.
“Có lẽ do người dân miền Trung, miền Bắc không rành về cam sành ở ĐBSCL nên mới nhầm lẫn, chứ người miền Nam không thể nào nhầm giữa cam sành ở ĐBSCL với cam Trung Quốc được. Tôi khẳng định, tin đồn cam sành ở ĐBSCL là cam Trung Quốc là không đúng”, ông Liêm cho biết.
Tiêu thụ yếu, giá bán thấp
Dù được “minh oan” cam sành ở ĐBSCL không phải là cam Trung Quốc nhưng tình hình tiêu thụ cũng khá ảm đạm do người dân vẫn e ngại.
Anh Nguyễn Văn Thanh, đại diện vựa cam sành Khánh Nhân, ấp Thông Nguyên, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, cho biết kể tư khi xuất hiện thông tin cam sành ở ĐBSCL là cam Trung Quốc thì sức tiêu thụ giảm hẳn đi. “Trước đây vựa của tôi tiêu thụ 15 -20 tấn/ngày nhưng nay cũng chỉ mua 5 – 7 tấn/ngày thôi (dù đang là vụ thuận) vì sức tiêu thu ở thị trường miền Trung, miền Bắc giảm lắm rồi”, anh Thanh cho biết.
Bên cạnh sức tiêu thụ chậm, giá bán hiện cũng đã giảm mạnh so với thời điểm trước khi xuất hiện thông tin cam sành ở ĐBSCL là cam Trung Quốc. Cụ thể, hiện giá nhà vườn trồng cam bán cho các đầu mối thu gom chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kí lô gam. Riêng đối với các vựa cam lớn cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Trung, miền Bắc… giá bán giảm chỉ còn 16.000 – 18.000 đồng/kí lô gam, giảm bình quân trên dưới 20.000 đồng/kí lô gam so với mức giá ở vụ ngịch.
“Giá cam giảm mạnh một phần do hiện đang vào vụ thuận, tuy nhiên, thông tin nói cam sành ở ĐBSCL là cam Trung Quốc càng làm tình hình tiêu thụ ế ẩm hơn, giá bán giảm mạnh hơn”, ông Liêm cho biết.