Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường (chủ yếu Thái Lan) nhập lậu vào Việt Nam (chiếm 20-30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước).
Với lượng đường nhập lậu như trên đã gây thất thu 3 khoản thuế gồm: 5% thuế nhập khẩu (khoảng 250 tỷ đồng), 5% thuế VAT (250 tỷ đồng) và thuế thu nhập doanh nghiệp do nhà máy giảm lợi nhuận (khoảng 150 tỷ đồng). Tổng cộng khoảng 650 tỷ đồng.
Đường lậu có mặt tại thị trường Việt Nam “xuất xứ” từ nhiều nguồn. Ngoài việc nhập lậu lén lút, một số đối tượng cũng đã lợi dụng kẽ hở của hoạt động tạm nhập tái xuất để nhập khẩu đường (nhập khẩu đường từ Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc vào Việt Nam, sau đó xuất sang Trung Quốc), nhưng thực chất phần lớn được giữ lại để tiêu thụ ở trong nước.
Còn tại khu thương mại Lao Bảo thuộc cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), do hàng hóa kinh doanh tại đây được hưởng ưu đãi về thuế quan, mặt hàng đường không phải chịu thuế nên đây trở thành nơi các đầu nậu tuồn đường Thái Lan vào.
Với lượng đường nhập lậu tồn tại khá lớn tại thị trường nội địa và giá rẻ hơn giá đường sản xuất trong nước 2.000 - 3.000đ/kg, nên mặc dù đã chấp nhận hạ giá thành xuống mức rất thấp 23.000đ/kg (trước đó, 25.000- 26.000đ/kg) nhưng đường nội vẫn không thể cạnh tranh nổi với đường nhập lậu.
Và điều nghịch lý là trong khi lượng đường sản xuất trong nước ngoài việc cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng còn lại dư thừa để xuất khẩu, nhưng trong quá trình cạnh tranh lại thua ngay trên “sân nhà”.
Tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường vụ 2011-2012, ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cũng nêu một loạt bất cập khác của ngành mía đường.
Một số nhà máy không có đủ nguyên liệu vẫn thực hiện mua mía theo 2 giá trong vùng và ngoài vùng nguyên liệu dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ vùng nguyên liệu của các nhà máy khác. Trong khi đó, tình trạng đường lậu vào thị trường nội không nhỏ, gây nhiều hệ lụy về tình hình cung-cầu, giá cả trên thị trường.
Theo CAND