Được in đậm trong bản báo cáo gửi tới Quốc hội khoá XIV, tình hình thiệt hại do sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua vừa được Chính phủ cập nhật với nhiều con số chi tiết.
Từng được biết tới là một trong những "vựa" hải sản của cả nước, nhưng kể từ khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 4/2016, hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí, nhiều ngư dân tại 4 tỉnh này đã phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác vì thế giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 4,4%). Riêng sản lượng khai thác biển ước chỉ tăng 3,4%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng cùng kỳ 2015.
|
Cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản và xuất khẩu, du lịch. Ảnh: Đức Hùng
|
“Ngoài huỷ hoại môi trường biển, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động xấu đến xuất khẩu, du lịch...”, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.
Tính toán sơ bộ do sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và hơn 176.000 người phụ thuộc.
Đặc biệt, cá chết còn làm thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng, ước tính khoảng 1.600 tấn một tháng. Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.
Có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá. Ngoài ra còn có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; và trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường.
Cũng do sự cố này, giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình 10-20% so với cùng kỳ năm 2015, cùng với đó là việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Giá bán các loại thuỷ sản đánh bắt xa bờ (ngoài 20 hải lý) giảm tới 50%, trong khi hải sản đánh bắt gần bờ không tiêu thụ được.
Hiện Hà Tĩnh đang tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), còn tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn.
Nêu những thiệt hại có thể thống kê và nhìn thấy được từ sự cố cá chết tại miền Trung, Chính phủ nhìn nhận vụ việc đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, phải mất thời gian dài mới tái tạo lại được.
“Đây là vấn đề nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép đầu tư và tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở có nhiều khả năng ô nhiễm”, Chính phủ đúc kết.
Ngoài những con số cập nhật về sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung, bản báo cáo gửi tới Quốc hội của Chính phủ cũng phân tích khá rõ nguyên nhân của sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016, khi chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.
Sự giảm sút tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giảm 0,18%) và công nghiệp làm cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giảm 0,8% so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Xét về giá, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 0,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do nông nghiệp giảm 0,7%, trong khi lâm nghiệp và thủy sản lần lượt có mức tăng 5,8% và 1,3%.